Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế châu Âu: Nhiều nguy cơ hiện hữu

Quỳnh Dương| 02/03/2023 06:42

(HNM) - Mặc dù tránh được đà suy giảm vào quý IV-2022, song Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn liên tiếp đối mặt với những nguy cơ hiện hữu, đe dọa tới khả năng phục hồi. Tác động của lạm phát, khủng hoảng năng lượng, các cuộc biểu tình lan rộng đang khiến Lục địa già ngày càng tiến sát “bờ vực” suy thoái, sức ép ngày càng gia tăng đối với doanh nghiệp, nhà sản xuất và người dân trong khu vực.

Nguồn cung khí đốt bị cắt giảm khiến giá năng lượng tại châu Âu tăng cao.

Lạm phát tại Pháp và Tây Ban Nha trong tháng 2-2023 tiếp tục tăng do thực phẩm và dịch vụ đồng loạt tăng giá. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, lạm phát tại hai nước này tăng sau khi giảm vào tháng 12-2022.

Báo cáo sơ bộ của Cơ quan Thống kê Pháp công bố ngày 28-2 cho biết, lạm phát trong tháng 2 của Pháp là 6,2%, tăng so với mức 6% của tháng trước đó. Riêng giá năng lượng tăng 23,1%, tiếp đến là thực phẩm tăng 6,8%, và hàng chế tạo và dịch vụ tăng 3%. Giá tiêu dùng leo thang đã đẩy tỷ lệ lạm phát của Pháp lên mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 80 của thế kỷ XX.

Còn tại Tây Ban Nha, lạm phát của nước này từ mức 5,9% của tháng 1 lên 6,1% trong tháng 2 do giá thực phẩm và điện tăng cao. Giống như các quốc gia khác trên khắp châu Âu, Tây Ban Nha đã phải vật lộn với lạm phát tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung chịu ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine và việc mở cửa nền kinh tế trở lại sau dịch Covid-19. Suốt 6 tháng qua, Chính phủ Tây Ban Nha buộc phải triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ chi phí sinh hoạt của người dân tiêu tốn khoảng 50 tỷ euro (53 tỷ USD), song đà tăng của lạm phát nhiều khả năng còn kéo dài đến năm 2024.

Theo các nhà phân tích, khi cuộc xung đột tại Ukraine chưa kết thúc, những nguy cơ đối với các nền kinh tế trong khu vực sẽ luôn hiện hữu. Đặc biệt là Đức và Pháp, vốn được coi là hai nước “đầu tàu” của châu Âu, đang phải chịu tác động mạnh nhất do cuộc khủng hoảng Ukraine. Nền kinh tế của hai nước có điểm chung là cùng dựa vào xuất khẩu và phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga. Trong khi đó, nguồn “vàng xanh” này đang bị gián đoạn sau khi các biện pháp trừng phạt Nga được thực hiện. Ủy ban châu Âu dự báo, kinh tế Pháp sẽ tăng trưởng ở các mức tương ứng 0,6% và 1,4% trong năm nay và năm tới. Kinh tế Đức thậm chí còn tăng trưởng thấp hơn, với các mức tương ứng 0,2% và 1,3%.

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế Fatih Birol cảnh báo, Nga có thể cắt nguồn cung cấp khí đốt còn lại cho châu Âu và nhu cầu toàn cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) có thể sẽ tăng lên do sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Điều này có thể làm phức tạp thêm việc bổ sung dự trữ khí đốt của châu Âu trước mùa đông tới. Hiện tại, giá khí đốt ở châu Âu cao gấp 7 lần so với ở Mỹ; giá điện cao gấp 3 lần so với ở Trung Quốc. Nếu nguồn cung LNG bị hạn chế, giá khí đốt sẽ tiếp tục gia tăng gây ảnh hưởng tới các mục tiêu kiểm soát lạm phát. Nền kinh tế châu Âu có thể sẽ rơi vào suy thoái quy mô lớn.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng kéo theo khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã làm gia tăng các vụ vỡ nợ trên khắp Liên minh châu ÂU (EU). Các lĩnh vực có mức độ vỡ nợ cao nhất là vận tải và kho bãi, tăng 72,2%, trong khi số doanh nghiệp thuộc ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống phá sản tăng 39,4%. Tỷ lệ phá sản trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế và hoạt động xã hội tăng 29,5%.

Hiện tại, lãi suất cho vay và tiền gửi ở EU đang ở mức lần lượt là 3,25% và 2,5%. Khi lạm phát còn chưa thể kiểm soát, mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương châu Âu trong năm nay có thể tăng thêm 0,25-0,5%. Điều này sẽ gây áp lực cho các doanh nghiệp và làm gia tăng nguy cơ nợ xấu ở nhiều lĩnh vực kinh doanh trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế châu Âu: Nhiều nguy cơ hiện hữu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.