Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vòng 3 tái đàm phán NAFTA: Còn nhiều khoảng cách

Quỳnh Dương| 25/09/2017 06:31

(HNM) - Trong 5 ngày, từ 23 đến 27-9, vòng tái đàm phán thứ ba về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được tổ chức tại thủ đô Ottawa của Canada với mục tiêu đẩy nhanh tiến trình thảo luận nhằm đạt thỏa thuận cuối cùng trong năm nay.

Còn rất nhiều tranh cãi cần xóa bỏ để vòng tái đàm phán NAFTA có thể kết thúc đúng thời hạn.


Lý do là các mục tiêu, lợi ích và tham vọng của ba thành viên là Mỹ, Canada và Mexico có rất nhiều khác biệt, trong khi lợi ích đan xen lại quá lớn. Ngay từ đầu, Washington đã không giấu giếm mục tiêu cải tổ cơ bản hiệp định ra đời từ 23 năm trước để xóa bỏ những bất lợi đối với nền kinh tế số 1 thế giới. Nỗ lực này nhằm giảm thâm hụt thương mại “khổng lồ” giữa Mỹ và hai đối tác còn lại, lên tới hơn 60 tỷ USD với Mexico và 9 tỷ USD với Canada. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, NAFTA là lý do khiến Mỹ mất đi một lượng lớn việc làm vào tay Mexico, nơi có giá nhân công thấp hơn nhiều.

Do vậy, Nhà Trắng muốn dùng ảnh hưởng từ vị thế là khách hàng xuất khẩu lớn nhất của hai quốc gia này để yêu cầu nhượng bộ trong vấn đề thâm hụt thương mại và muốn siết chặt hơn các quy định về nguồn gốc xuất xứ, nhất là các sản phẩm ô tô.

Trái lại, Canada và Mexico lại cho rằng, Mỹ quá chú trọng vào số liệu thương mại song phương, mà không quan tâm tới tổng giá trị thương mại của cả khối - vốn được coi là thước đo chuẩn xác về hiệu quả của một hiệp định thương mại. Con số này đạt gần 1.000 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 5,5% so với năm trước đó và cũng là mức tăng trung bình hằng năm kể từ khi NAFTA chính thức có hiệu lực. Cả hai nền kinh tế láng giềng của Mỹ đều lo ngại các hạn chế thương mại mới sẽ là một thảm họa thực sự cho khả năng cạnh tranh của Bắc Mỹ và gây bất ổn cho doanh nghiệp cũng như công nhân ở cả ba nước.

Trong vòng đàm phán thứ 3 này, những nội dung liên quan tới lĩnh vực sản xuất ô tô được nhận định là chủ đề gây nhiều tranh cãi nhất, vì đây là ngành chiếm phần lớn trong thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico. Hiện tại, tham vọng của Tổng thống Mỹ D.Trump là gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm ô tô thông qua "quy tắc xuất xứ". Tức là, một sản phẩm phải có tỷ lệ tham gia bắt buộc từ cả ba nước trong NAFTA. Ví dụ, trong 1 chiếc xe ô tô, 62% bộ phận phải được làm ở Mỹ, Mexico và Canada. Phần còn lại có thể được sản xuất từ những nơi khác.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất đã phản đối quy định này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng dự định sẽ đưa con số cụ thể về tỷ lệ linh kiện tối thiểu phải được sản xuất tại Mỹ trong sản phẩm ô tô Bắc Mỹ. Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ này phải đạt ít nhất là 35% mới có thể làm ông chủ Nhà Trắng hài lòng.

Về phía Canada, cuộc tranh cãi giữa Hãng sản xuất máy bay Bombardier với Hãng Boeing của Mỹ có thể sẽ là nguyên nhân cản trở các cuộc thảo luận tại NAFTA. So với Boeing, Bombardier chỉ như một chú bé tí hon đứng trước gã khổng lồ. Những năm trước, sản phẩm của nhà sản xuất máy bay Canada chủ yếu cạnh tranh với Hãng Embraer của Brazil trong phân khúc máy bay nhỏ và tầm ngắn. Nhưng mẫu mới nhất của Bombardier - loại máy bay C-Series lại đang được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với máy bay nhỏ nhất của Boeing là chiếc 737.

Vì vậy, Boeing đã đáp lại bằng việc khơi mào một vụ kiện thương mại lớn chống Bombardier, cáo buộc hãng này cạnh tranh không lành mạnh bằng việc nhận trợ cấp từ Chính phủ Canada. Với lý do này, Mỹ có thể đặt ra các loại thuế mới để “kìm chân” Bombardier bên ngoài thị trường Mỹ.

Trước những mâu thuẫn khó có thể hòa giải, nhiều nhận định cho rằng, tại vòng đàm phán thứ 3 này, các bên sẽ chỉ đạt được những thỏa thuận đầu tiên về doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng cạnh tranh, thương mại số, dịch vụ và môi trường. Để NAFTA phiên bản 2.0 trở thành sự thực, cả ba nước cần rất nỗ lực và nhượng bộ thì mới có thể về đích đúng hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vòng 3 tái đàm phán NAFTA: Còn nhiều khoảng cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.