Theo dõi Báo Hànộimới trên

Eurozone trước nguy cơ mới

Quỳnh Dương| 02/10/2018 06:22

(HNM) - Bảy năm sau cuộc đại suy thoái khiến nền kinh tế chao đảo, Chính phủ Italia vừa đưa ra quyết định nới lỏng chính sách “thắt lưng, buộc bụng”, tăng chi tiêu ngân sách năm 2019 bất chấp những cảnh báo từ EU.

Chính phủ Italia cho rằng, tăng chi tiêu công sẽ giúp cải thiện tình trạng thất nghiệp.


Quyết định gia tăng chi tiêu công là một phần cam kết tranh cử và thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Liên đoàn phương Bắc với Phong trào 5 Sao (M5S) hồi tháng 5-2018. Ngoài việc nâng mức chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 2,4% trong 3 năm tới, gấp 3 lần so với chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm, Chính phủ Italia còn muốn thay đổi hệ thống lương hưu, thực hiện một mức thu nhập tối thiểu mới cho người dân, giảm các loại thuế, cũng như ngừng việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) với hy vọng những biện pháp này có thể bổ sung cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia từ 4,5 đến 7%.

Theo quan điểm của nhiều lãnh đạo EU, tham vọng của M5S và đảng Liên đoàn phương Bắc đã đi ngược lại những nền tảng đã được hình thành từ trước ở Italia, giữa lúc nước này vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm qua, khi tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao kỷ lục, cùng làn sóng hàng trăm nghìn người di cư đổ vào quốc gia "cửa ngõ" EU. Giới chức Khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng chia sẻ mối lo ngại rằng chính phủ mới của Italia sẽ không có năng lực quản trị và những người theo chủ nghĩa dân túy sẽ đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ khác.

Tổng nợ công của Italia hiện đã lên tới 2.300 tỷ euro, tương đương 131% GDP của nước này. Đây là mức cao thứ 2 trong EU, sau Hy Lạp và gấp đôi mức trần EU đặt ra cho các nước thành viên. Hiện, Italia cũng là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Khu vực Eurozone. Ngay từ khi đảng Liên đoàn phương Bắc và M5S bắt tay thành lập chính phủ, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã lên tiếng cảnh báo về sự ổn định của Khu vực Eurozone nếu Rome mạo hiểm phá vỡ những cam kết về nợ công và thâm hụt ngân sách.

Quan ngại với những gì đang xảy ra ở Italia, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), ông Antonio Tajani cho rằng, các mục tiêu tài chính được Chính phủ Italia đưa ra có thể ảnh hưởng tới những người gửi tiết kiệm ở ngân hàng cũng như không giúp tạo thêm việc làm. Theo ông Tajani, mức thâm hụt ngân sách mà Italia đưa ra là "chống lại con người" vì kế hoạch này sẽ tạo ra nhiều việc làm ở miền Bắc Italia mà không giải quyết được vấn đề ở miền Nam, khu vực kém phát triển nhất nước này.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, bất kể những gì xảy ra với nền kinh tế Italia có thể tạo ra tình thế khó khăn cho Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), vốn đang áp dụng chương trình mua trái phiếu để xử lý "núi" nợ công khổng lồ của nước này. Khi chương trình kết thúc, nếu Italia vẫn chịu mức thâm hụt cao và tăng trưởng thấp, đồng nghĩa với mức phí mà các thị trường đòi hỏi để cho Italia vay sẽ tăng cao đáng kể. Trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí cho rằng nợ của Italia là quá lớn để có thể được giải cứu bằng quỹ cứu trợ tài chính của Eurozone, ECB có thể phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan, dẫn đến nguy cơ Italia bị vỡ nợ và gây ra một cuộc khủng hoảng mới cho Eurozone.

Nói cách khác, những động thái mới từ phía Chính phủ Italia có thể sẽ cản trở quá trình hội nhập sâu rộng hơn của Eurozone và có nguy cơ tạo ra giai đoạn khủng hoảng tiếp theo của khu vực này. Đây được xem là thách thức chính trị lớn nhất sau việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU 2 năm trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Eurozone trước nguy cơ mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.