Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối lo của nhân loại

Phương Quỳnh| 02/12/2018 07:30

(HNM) - Nhiệt độ tăng, các hình thái thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất dày đặc và diễn biến phức tạp đã khiến biến đổi khí hậu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại.


Trong báo cáo công bố trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24) sắp diễn ra ở Ba Lan, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, 20 năm nóng nhất trong lịch sử đều xảy ra trong vòng 22 năm qua và năm 2018 có thể trở thành năm nóng thứ 4 trong lịch sử.

Điều này đồng nghĩa, 4 năm gần đây (2015, 2016, 2017 và 2018) cũng là 4 năm liên tiếp nóng nhất từ trước tới nay. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng đầu năm nay cao hơn gần 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900).

Với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính - thủ phạm chính gây biến đổi khí hậu toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục, thế giới sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ từ 3 đến 5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trong khi đó, trong báo cáo đăng tải tên tạp chí y khoa The Lancet số ra mới đây, các nhà khoa học đã cảnh báo việc khí hậu biến đổi nhanh chóng đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống con người. Bão và lũ lụt không chỉ gây thương vong mà còn khiến bệnh viện ngừng hoạt động, bệnh dịch bùng phát.

Tương tự, cháy rừng làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm không khí trên diện rộng. Ví dụ điển hình cho tình trạng này là vụ cháy rừng Camp Fire mới đây tại bang California (Mỹ) khi có tới hơn 80 người thiệt mạng và khói bụi gây ô nhiễm lan rộng sang phía Đông nước này.

Thời tiết ấm lên do biến đổi khí hậu còn tạo môi trường bùng phát cho các dịch bệnh do muỗi gây nên như sốt xuất huyết và một số mối đe dọa khác. Tại các nước vùng Baltic, kể từ năm 1950, nguy cơ dịch tả bùng phát tăng 24% ở các khu vực ven biển, trong khi tại khu vực sa mạc Sahara ở châu Phi, nguy cơ bệnh sốt rét lan rộng tăng 27%.

Năm 2017, biến đổi khí hậu đã khiến thế giới thiệt hại hơn 320 tỷ USD trong khi 41 triệu người dân ở Nam Á và 900.000 người ở châu Phi phải sống trong cảnh lụt lội. Đồng thời, các vụ cháy rừng xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, còn lớp băng ở Bắc cực vào mùa đông thấp hơn bao giờ hết. Lượng khí CO2 và Methane trong khí quyển đã lên tới mức cao nhất trong 800.000 năm qua.

Trong khi đó, các quốc gia chưa thực hiện những cam kết đưa ra theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2016 để tiến tới giới hạn mức tăng của nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, thế giới chưa hoàn toàn hết hy vọng vì đang xuất hiện nhiều công nghệ và sáng kiến giúp giải quyết vấn đề này.

Tuy nhiên, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối lo của nhân loại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.