Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những quyết sách quan trọng công bố sau hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc

Theo Hồng Hạnh/Báo Tin tức| 22/12/2018 13:32

Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc thường niên năm 2018 nhất trí tiếp tục theo đuổi chính sách tài khóa chủ động.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc kéo dài trong 3 ngày. Ảnh: XINHUA


Hãng thông tấn Tân Hoa ra thông cáo cho biết, Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc năm 2018 đã bế mạc ngày 21-12 vừa qua sau 3 ngày họp kín, trong đó các đại biểu tham dự nhất trí cam kết sẽ đẩy mạnh việc cắt giảm thuế cũng như duy trì chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Các nhà định hình chính sách tại hội nghị do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì cũng nhất trí tiếp tục tăng cường mở cửa trong năm tới và bảo vệ các lợi ích hợp pháp, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Giới phân tích nhận định rằng chính sách tài khóa chủ động hơn và đẩy mạnh cắt giảm thuế sẽ giúp ổn định sự tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới trong năm tới.

Hội nghị kết luận Trung Quốc nên thực hiện việc cắt giảm thuế và chi phí trên “quy mô rộng hơn” và giúp gia tăng đáng kể lượng trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương.

Tờ China Daily trích dẫn lời ông Bai Jingming – Phó Chủ tịch Viện Khoa học Tài chính Trung Quốc cho rằng, kế hoạch cắt giảm thuế mạnh sẽ tập trung vào cả lĩnh vực doanh nghiệp và các hộ gia đình, cải thiện công việc kinh doanh và tăng thu nhập cá nhân.

"Các biện pháp được đưa ra trong cuộc họp khiến sự tự tin của các doanh nhân tăng lên, khuyến khích họ tăng đầu tư, cũng như khuyến khích tiêu dùng của các cá nhân. Chính sách tài khóa sẽ rất có ý nghĩa trong việc thúc đẩy nhu cầu trong nước và ổn định tăng trưởng kinh tế trong năm tới", ông Bai giải thích.

Trong khi đó, nếu chính quyền địa phương được khuyến khích phát hành thêm trái phiếu đặc biệt vào năm tới, ngân sách cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ tăng nhanh và đây là biện pháp then chốt trong việc triển khai chính sách tài khóa chủ động.

Tuyên bố của hội nghị 2018 cho biết thêm, chính sách tiền tệ nên thận trọng và tính tới sự cân bằng "hợp lý" giữa siết chặt và nới lỏng, đồng thời giữ thanh khoản hợp lý và đủ, cải thiện việc truyền tải chính sách tiền tệ, tăng tỷ lệ tài chính trực tiếp và giải quyết khó khăn tài chính cho các công ty.

Chính phủ Trung Quốc cũng cam kết sẽ nỗ lực hỗ trợ kiến tạo việc làm, thúc đẩy thương mại và đầu tư, cũng như giải quyết các khó khăn tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ cũng như doanh nghiệp tư nhân, trong khi hạn chế rủi ro và những biến động trên thị trường tài chính.

Theo ông Guan Tao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40, đồng thời là cựu quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE), chính sách tiền tệ sẽ đóng vai trò lớn trong việc bù đắp rủi ro suy thoái kinh tế vì thanh khoản được giữ ở mức phù hợp.

Thông cáo khẳng định Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục theo đuổi phát triển chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu dùng trong nước, thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, phát triển khu vực cân bằng, đẩy mạnh cải cách hệ thống kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân. Nước này cũng sẽ có biện pháp hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp tư nhân và cho phép các công ty nước ngoài hoạt động độc lập trong nhiều lĩnh vực hơn.

Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc thường niên năm 2018 được dư luận nước này và quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang leo thang cuộc chiến thương mại. Hệ quả cuộc chiến này đang ảnh hưởng trực tiếp tới hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng như kinh tế toàn cầu. Các quyết sách được giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đưa ra tại hội nghị này được coi là để ứng phó và thích nghi với tình hình kinh tế trong nước và cuộc chiến thương mại với Mỹ trong năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những quyết sách quan trọng công bố sau hội nghị kinh tế trung ương Trung Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.