Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Italia: Trước triển vọng u ám

Quỳnh Dương| 03/02/2019 06:34

(HNM) - Trong khi tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh, hay còn gọi là Brexit, vẫn đang thu hút sự chú ý của thế giới thì Cựu lục địa lại phải đối mặt với một vấn đề mới có thể đe dọa đến sự ổn định tài chính của khu vực.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Italia luôn ở mức cao.


Ngày 1-2, cơ quan Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) cho biết, nước này đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật khi tăng trưởng hai quý gần đây bị sụt giảm liên tiếp. Giới chuyên gia nhận định, từ lâu nền kinh tế đất nước hình chiếc ủng đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, yếu tố khiến cho tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm và thậm chí chưa thể hồi phục sau khủng hoảng 2008. Kể từ đầu năm 2018 trở lại đây, tăng trưởng luôn ghi nhận tình trạng sụt giảm qua các quý, trong đó quý III đạt mức tăng 0,8% và quý IV đạt 0,6% - mức thấp nhất được ghi nhận trong vòng 3 năm qua. Bên cạnh đó, thị trường lao động cũng không có nhiều cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp luôn duy trì ở mức lớn hơn 10%, thậm chí con số này ở nhóm những người trẻ lên tới 40%. Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia này đang phải đối mặt đó là nợ công gia tăng nhanh chóng, hiện đã lên tới mức 132% GDP. Điều này khiến Italia trở thành quốc gia có tỷ lệ nợ lớn thứ hai trong khu vực EU sau Hy Lạp.

Tình hình càng tồi tệ hơn sau cuộc tổng tuyển cử diễn ra tại Italia vào tháng 5 năm ngoái khi liên minh chính phủ dân túy đắc cử và đề xuất kế hoạch ngân sách với mức thâm hụt tăng gấp 3 lần so với những gì chính phủ tiền nhiệm cam kết với EU. Theo quan điểm của những người đứng đầu đất nước hình chiếc ủng, tăng chi tiêu công có thể sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế trở lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, mức thâm hụt ngân sách 2,4% GDP được đánh giá là sẽ khiến Italia gặp khó khăn hơn trong giải quyết vấn đề nợ công, nhất là khi nước này phải giải quyết hậu quả từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2012. Một bản báo cáo khá tiêu cực của Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã chỉ trích quá trình xây dựng ngân sách lộn xộn của chính phủ liên minh Italia. Kế hoạch cắt giảm thuế bị cho là thiếu rõ ràng và chi tiết trong khi Fitch cũng chỉ ra hố ngăn cách giữa chi phí cao để thực hiện cam kết của chính phủ và mục tiêu giảm nợ công. Ngay sau khi kế hoạch ngân sách 2019 của Italia được trình lên EU, một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Moody cũng đã hạ đánh giá quốc gia này từ mức “Baa2” xuống “Baa3”, mức cuối cùng trong danh mục có thể đầu tư của Moody. Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức triển vọng nợ chính phủ của Italia, cảnh báo chính sách tài khóa mới của Rome sẽ đe dọa năng lực của các ngân hàng cấp vốn cho hoạt động kinh tế.

Về phía EU, không mất nhiều thời gian để Brussels nhận ra rằng, kế hoạch ngân sách của Italia không hẳn để phục vụ mục đích tăng trưởng kinh tế, mà là cách để đem lại những lợi nhuận chính trị cho các lãnh đạo mới ở Rome. Lần đầu tiên Ủy ban châu Âu (EC) bác dự thảo ngân sách của nước thành viên. Tuy nhiên, trước những thúc giục, thậm chí là đe dọa của Brussels, Rome không hề lay chuyển. Là nền kinh tế lớn thứ 3 trong EU và gấp 10 lần kinh tế Hy Lạp, sẽ không dễ để các nước EU đối phó với một cuộc khủng hoảng nợ ở Italia như đã làm đối với Athens. Bên cạnh đó, hiện tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang nắm giữ đến 1/4 lượng trái phiếu chính phủ của Italia. Do vậy, không có nhiều khả năng EU sẽ tiếp tục đứng ra hỗ trợ cho Rome các khoản vay mới khi kinh tế khu vực vẫn phải đối mặt với những rủi ro. Nhiều nhận định cho rằng, tương lai của EU, trong bối cảnh Brexit đang diễn ra, sẽ tiếp tục bị đặt dấu hỏi nếu vấn đề ở Italia không được giải quyết êm đẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Italia: Trước triển vọng u ám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.