Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm nguồn cung khí đốt

Minh Hiếu| 10/02/2019 07:18

(HNM) - Một dự thảo thỏa thuận do Pháp và Đức đề xuất vừa được các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua cuối tuần qua, cho phép Berlin tiếp tục đóng vai trò là bên đàm phán chủ đạo với Mátxcơva trong dự án hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Cựu lục địa.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dự kiến đưa vào vận hành muộn nhất cuối năm 2019.


Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 tập đoàn châu Âu là BASF (Đức), E.ON và Engie (Pháp), OMV (Áo) và Shell (Anh - Hà Lan), được ký kết bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông tổ chức tại TP Vladivostok (Nga) vào tháng 9-2015.

Tổng cộng 2 tuyến đường ống dẫn dài 1.200km sẽ được xây dựng với công suất lên tới 55 tỷ mét khối khí/năm, đi qua các vùng lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic là Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức và được kỳ vọng sẽ hoàn thành muộn nhất vào cuối năm 2019. Dự án trị giá 9,5 tỷ euro này được xây dựng song song với dự án Dòng chảy phương Bắc khánh thành năm 2011, vốn đã giúp vận chuyển 40 tỷ mét khối khí/năm từ Nga sang EU.

Theo dự thảo thỏa thuận đạt được giữa Đức và Pháp, hai quốc gia EU này nhất trí bảo đảm các quy định với hoạt động xuất khẩu khí đốt trong khuôn khổ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ được áp dụng dựa trên lãnh thổ và lãnh hải của nước thành viên nơi bố trí điểm kết nối đầu tiên (TP Greifswald, Đức), thay vì dựa trên quy định “lãnh thổ hay lãnh hải của các nước thành viên EU”.

Điều này đồng nghĩa với việc Đức sẽ đóng vai trò là bên đàm phán chủ đạo với Nga - một trong những quốc gia có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. Đức cũng được xem là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ dự án này, bởi vị thế của Berlin tại EU sẽ gia tăng với tư cách là nhà phân phối năng lượng của Mátxcơva tại châu Âu.

Tuy vậy, Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn vấp phải sự phản đối của Ukraine, Latvia, Litva và Ba Lan với lo ngại sẽ gây tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị và đi ngược lại chính sách của châu Âu trong bảo đảm an ninh năng lượng. Mỹ cũng là một trong những nước phản đối kịch liệt dự án do lo ngại đây là công cụ chính trị buộc EU phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của quốc gia này sang Lục địa già.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đến nay vẫn khẳng định tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án kinh tế thuần túy giúp bảo đảm nguồn cung khí đốt rẻ hơn, đồng thời nhấn mạnh Berlin độc lập trong các lựa chọn chính sách và không chịu sự kiểm soát của Nga, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào.

Cuối năm 2018, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã lên tiếng bác bỏ ý định rút nước này khỏi Dòng chảy phương Bắc 2 trước ý kiến của một số nghị sĩ gợi ý sử dụng dự án này để trừng phạt Nga trong vụ bắt giữ tàu Ukraine cùng các thủy thủ tại biển Azov hồi tháng 11-2018.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án giúp giao dịch mua bán khí đốt giữa EU và Nga ổn định hơn với mức giá hợp lý. Trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến vấn đề Ukraine hay cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ khiến cả Mỹ và EU đều đang áp dụng hàng loạt biện pháp trừng phạt Nga về kinh tế, cô lập về chính trị thì dự án này là một kênh hữu hiệu giúp xứ sở Bạch dương đa dạng hóa nền kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và củng cố thị trường tiêu thụ năng lượng rộng lớn tại châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm nguồn cung khí đốt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.