Theo dõi Báo Hànộimới trên

Brexit: Sát hạn mà đường vẫn chưa thông

Thùy Dương| 09/03/2019 07:09

(HNM) - Ngày 29-3 là thời hạn chót để nước Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Mặc dù đã ở thời điểm cận kề, nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa thuận

Thời hạn Anh rời khỏi EU chỉ còn tính từng ngày nhưng hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận “ly hôn”.


Trong thỏa thuận Brexit mà Anh và EU đạt được hồi tháng 11-2018, điều khoản "rào chắn" về biên giới với Ireland đã được đưa vào như chìa khóa tháo gỡ mọi bế tắc khi cho phép duy trì đường biên giới mềm, không chốt chặn kiểm soát giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland. Điều khoản này nhằm giúp bảo đảm một biên giới mở giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, để ràng buộc London với những quy định về thuế quan của EU cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại. Tuy nhiên, chính điều khoản này đã gây chia rẽ sâu sắc trong chính trường nước Anh và dẫn tới thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh hồi giữa tháng 1-2019. Xứ sở Sương mù sau đó đã kiên trì đàm phán lại với EU, tìm kiếm những thay đổi mang tính ràng buộc pháp lý để điều khoản này được chấp nhận tại Hạ viện. Song, trong cuộc đàm phán mới nhất ngày 5-3 vừa qua ở Brussels (Bỉ), Anh và EU vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán với EU gặp vô vàn trở ngại, Thủ tướng T.May đang nỗ lực để đưa thỏa thuận sửa đổi ra Hạ viện xem xét bỏ phiếu vào ngày 12-3 tới. Vừa theo đuổi đàm phán, bà T.May vừa tìm cách tiếp cận lá phiếu của nghị sĩ trong nước khi cho phép Công đảng đối lập thêm nhiều cơ hội lên tiếng về quyền của người lao động hậu Brexit. Với đảng Bảo thủ cầm quyền, để xoa dịu và tìm kiếm sự ủng hộ, chính phủ hiện đang thúc đẩy một đề xuất nhằm tìm các giải pháp thay thế điều khoản "rào chắn". Đây là yêu cầu đặc biệt của các nghị sĩ vốn hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ, từ trước đến nay kịch liệt phản đối thỏa thuận Brexit.

Trong một diễn biến khác, EU cũng vừa “bật đèn xanh” trao cho nước Anh cơ hội thay đổi thỏa thuận Brexit, để có thể qua được ải Hạ viện nước này. Trường hợp những sửa đổi mà Thủ tướng T.May nỗ lực tìm kiếm vẫn không giúp thỏa thuận “ly hôn” với EU nhận được sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu sắp tới, thì Chính phủ Anh sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để các nhà lập pháp quyết định hoặc gia hạn lùi ngày Anh rời EU.

Theo các nhà phân tích, Thỏa thuận Brexit mà chính quyền của Thủ tướng T.May và EU đạt được hồi tháng 11-2018 sẽ không có cơ hội thông qua tại Hạ viện nếu không được sửa đổi. Vì thế, nhiều ý kiến đã ủng hộ việc trì hoãn thời hạn chót Brexit vì một “Brexit cứng” tức không có thỏa thuận. Như vậy, nếu kịch bản này xảy ra thì sẽ là "thảm họa" với cả nước Anh và EU khi tất thảy các hoạt động trao đổi thương mại, dòng chảy hàng hóa và dịch vụ đều bị đình trệ do việc tái áp dụng các biện pháp thuế quan.

Hiện tại chưa có gì để bảo đảm chắc chắn rằng nước Anh có thể hoàn tất được tiến trình Brexit vào đúng thời hạn chót 29-3, khi mà chính trong nội bộ nước Anh đang tồn tại nhiều bất đồng, chia rẽ. Một số thành viên trong nội các nước Anh tỏ ra bi quan về triển vọng của lần bỏ phiếu tới. Trong khi đó, EU cũng đang tính đến phương án gây sức ép với Quốc hội Anh bằng cách chỉ cho phép Anh gia hạn rời EU một lần. Khi đó, các nghị sĩ Anh sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn duy nhất là: Brexit có hay không có thỏa thuận mà thôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Brexit: Sát hạn mà đường vẫn chưa thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.