Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan: Quyết định gây tranh cãi

Minh Hiếu| 23/03/2019 06:57

(HNM) - Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục có một quyết định gây nhiều tranh cãi khi bày tỏ sẽ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan...

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ thay đổi chính sách Trung Đông của Mỹ và hỗ trợ Thủ tướng Netanyahu trong chiến dịch tái tranh cử của ông.


Động thái mới nhất của ông chủ Nhà Trắng được đánh giá là sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hàng chục năm qua của xứ Cờ hoa đối với Trung Đông và đe dọa làm leo thang căng thẳng tại khu vực vốn đã được coi là “chảo lửa” của thế giới.

Cao nguyên Golan là vùng chiến lược nằm giữa Syria, Israel, Lebanon và Jordan. Tranh chấp lãnh thổ tại Golan là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng tại khu vực, đặc biệt là trong quan hệ giữa Israel và Syria. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm đóng phần lớn diện tích cao nguyên này. Năm 1981, Israel sáp nhập vùng chiếm đóng trên Cao nguyên Golan vào lãnh thổ của mình - một động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận và bị chỉ trích gay gắt. Trong khi Damascus nhiều lần kêu gọi Tel Aviv hoàn trả vùng lãnh thổ này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng gọi đây là hành động không thể chấp nhận được và Liên hợp quốc đã ra nghị quyết yêu cầu Israel chấm dứt chiếm đóng Cao nguyên Golan vào năm 2006.

Mặc dù luôn là nước đồng minh thân thiết của Israel, song trước nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump, Washington duy trì quan điểm cứng rắn về vấn đề này. Ông Scott Lasensky - cựu Cố vấn của Đại sứ Mỹ tại Israel dưới thời Tổng thống Barack Obama từng đánh giá chính sách của xứ Cờ hoa với Cao nguyên Golan là một trong những lập trường lâu dài và kiên định nhất về quan hệ giữa Israel và thế giới Arab. Liên hợp quốc và Mỹ đã nhiều lần đóng vai trò trung gian hướng tới một thỏa thuận khu vực song đều thất bại. Vào năm 2016, Tổng thống Mỹ khi đó là B.Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã nhất trí ủng hộ việc buộc Israel rút quân khỏi Cao nguyên Golan và trao trả vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này cho Syria.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống D.Trump lên nắm quyền, Washington đã không ít lần ủng hộ các quan điểm gây tranh cãi của Israel. Đăng tải trên mạng xã hội Twitter vào ngày 22-3, Tổng thống D.Trump nhấn mạnh: “Sau 52 năm, đã đến lúc Mỹ công nhận đầy đủ chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, khu vực có tầm quan trọng an ninh, chiến lược đối với Israel và sự ổn định của khu vực”. Đây được coi là “món quà” của ông chủ Nhà Trắng và phát đi tín hiệu ủng hộ của nước Mỹ khi chỉ còn 3 tuần nữa, khả năng tiếp tục cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ được định đoạt trong một cuộc bầu cử mà nhà lãnh đạo này đang tỏ ra yếu thế bởi hàng loạt cáo buộc tham nhũng.

Tuyên bố mới nhất của ông chủ Nhà Trắng cho thấy sự tái định hình chính sách của Mỹ tại Trung Đông cũng như vai trò của Washington trong khu vực, đặc biệt là trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa Israel và các nước khác. Những quyết định gây tranh cãi trong thời gian gần đây của Mỹ như chuyển đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem hay rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được giới quan sát nhận định là đều phù hợp với mong muốn và lợi ích của đồng minh lâu đời Israel. Các cuộc vận động Mỹ công nhận Cao nguyên Golan là một phần của Israel đã được giới chức Tel Aviv đẩy mạnh, đặc biệt là trong suốt nhiều tuần gần đây.

Trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 2 vừa qua, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen đã nhắc lại quan điểm rõ ràng của Hội đồng Bảo an rằng Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Syria, và theo Nghị quyết 2254, dĩ nhiên vùng đất này bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Cựu Đại sứ Mỹ tại Israel Martin S.Indyk cùng nhiều cựu quan chức ngoại giao lo ngại, tuyên bố của Tổng thống D.Trump là một hành động không cần thiết và có thể tiếp tục làm bùng lên những tranh cãi vốn đã gay gắt tại khu vực, đồng thời trở thành cái cớ để Israel tiếp tục các hành động sáp nhập bị lên án tại các vùng khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ công nhận chủ quyền của Israel tại Cao nguyên Golan: Quyết định gây tranh cãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.