Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm dầu vào “lò lửa” Trung Đông

Quỳnh Dương| 28/03/2019 07:25

(HNM) - Mặc dù cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã có những bước tiến đáng kể tại Trung Đông, song sức nóng của khu vực này không vì thế mà giảm nhiệt.

Một ngôi nhà bị nã rocket tại thủ đô Tel Avip (Israel).


Có thể ví việc Tổng thống Donald Trump ký tuyên bố xác nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền của Israel, quyết định đảo ngược chính sách đã tồn tại hơn nửa thế kỷ của Mỹ tại Trung Đông, là "một món quà quý giá" mà ông dành tặng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay trước thềm bầu cử quốc hội nước này.

Hiện tại, nhà lãnh đạo 69 tuổi của Israel đang trong thời gian chờ xét xử các tội danh về hối lộ và vi phạm các khoản phí ủy thác phát sinh từ 3 cuộc điều tra tham nhũng riêng biệt. Phu nhân Thủ tướng Israel cũng đang đối mặt với cáo buộc lạm dụng tiền thuế của người dân trong khoảng thời gian 2009-2013 để trả cho các bữa ăn xa xỉ.

Mặc dù người đứng đầu Nhà nước Do Thái bác bỏ những cáo buộc này, song đây là đòn giáng mạnh vào uy tín của ông trong thời điểm ông đang hướng tới nhiệm kỳ Thủ tướng lần thứ 5. Việc thuyết phục Nhà Trắng công nhận chủ quyền Cao nguyên Golan được xem như bước đi khôn ngoan giúp chính trị gia lão luyện này cải thiện tỷ lệ ủng hộ của cử tri một cách đáng kể.

Tuy nhiên, quyết định của Nhà Trắng về Cao nguyên Golan cùng với việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đang đập tan hy vọng của những người Arab về triển vọng hòa bình cho khu vực Trung Đông. Liên đoàn các quốc gia Arab (AL), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã ngay lập tức phản đối động thái này.

Ngày 27-3, 5 nước châu Âu có ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã bác bỏ quyết định trên của Tổng thống D.Trump, đồng thời bày tỏ quan ngại động thái này của Mỹ có thể gây ra hậu quả to lớn. Phó phát ngôn viên Chính phủ Đức Ulrike Demmer khẳng định, quan điểm và lập trường của Berlin đối với hiện trạng của Cao nguyên Golan là không thay đổi, đặc biệt dựa trên nghị quyết 497 được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua năm 1981, trong đó kêu gọi Israel hủy bỏ việc sáp nhập Cao nguyên Golan vào lãnh thổ nước này và giữ nguyên quy chế hợp pháp quốc tế như trước đây.

Bà Demmer nhấn mạnh, việc vẽ lại đường biên giới chỉ có thể thực hiện được với một thỏa thuận hòa bình giữa các bên xung đột, đồng thời khẳng định Chính phủ Đức luôn bác bỏ các hành động đơn phương.

Nguy hiểm hơn, những động thái thiên vị đối với Israel của Washington sẽ khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Nhà nước Do Thái với các quốc gia Arab trong khu vực. Ở phía Bắc, phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon, vốn nhiều năm coi Tel Avip là mục tiêu đối đầu vì những chính sách chèn ép láng giềng Arab mà nước này triển khai từ ngày đầu lập quốc, càng có cớ tấn công Israel.

Hiện tại, Hezbollah đang sở hữu một loại tên lửa khiến các nhà lãnh đạo Israel không khỏi đau đầu. Trong khi đó, những ngày gần đây, các thị trấn miền Trung và Nam Israel liên tục phải hứng rocket của nhóm vũ trang Hamas của người Palestine bắn vào từ dải Gaza.

Đặc biệt, đây còn là thời điểm nhạy cảm khi chỉ còn vài ngày nữa là tròn 1 năm diễn ra làn sóng biểu tình của người Palestine chống Israel, mang tên “Hành trình trở về vĩ đại” tại Gaza, vốn đã khiến 260 người Palestine thiệt mạng và 260.000 người khác bị thương. Thủ tướng Israel Netanyahu đã phải rút ngắn chuyến thăm Mỹ, từ ngày 24-3, để trở về tìm giải pháp cho vấn đề trên.

Các nhà bình luận quốc tế cho rằng, những bước đi của Tổng thống D.Trump không khác nào đổ thêm dầu vào lò lửa đang ngùn ngụt cháy ở Trung Đông. Nghiêm trọng hơn, những quyết định nói trên còn đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, quy định không được vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia thông qua sự chiếm đóng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm dầu vào “lò lửa” Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.