Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu trước ngưỡng cửa quan trọng

Quỳnh Dương| 09/05/2019 06:51

(HNM) - Chỉ còn 2 tuần nữa, người dân 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiến hành bỏ phiếu lựa chọn 751 đại diện xứng đáng ngồi vào những chiếc ghế nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ mới.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào thời điểm EU đối mặt với nhiều thách thức.


Gọi là bầu cử Nghị viện châu Âu, nhưng thực chất đây là sự kiện mà các quốc gia chọn ra đại diện của nước mình trong cơ quan lập pháp của châu lục. Vì vậy, cuộc bỏ phiếu này không chỉ là sự đua tranh giữa các đảng phái tại một đất nước mà còn mang tính liên quốc gia. Cũng vì thế, cuộc chạy đua vào Nghị viện châu Âu thường không tập trung vào một chính đảng nào cụ thể mà quan tâm tới khuynh hướng chính trị.

Kết quả thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, liên minh gồm các đảng bảo thủ, xã hội và tự do thân EU có thể chiếm ưu thế. Điều này phản ánh thực tế rằng người dân châu Âu dường như đã không còn do dự trong việc lựa chọn các đảng phái theo xu hướng cánh tả hay cánh hữu ở cơ quan lập pháp của châu lục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa rằng xu hướng “bài châu Âu” đã giảm sút. Thực tế này xuất phát từ việc những năm gần đây, Lục địa già chìm trong nhiều cuộc khủng hoảng từ kinh tế tới xã hội làm người dân mất niềm tin vào sự vững mạnh của khối và các dự án chung. Việc Anh sẽ rời EU cũng là nguyên nhân đẩy tỷ lệ ủng hộ các đảng dân túy, hoài nghi châu Âu tăng vọt.

Theo giới quan sát, sự trỗi dậy của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc đã tạo ra cơ hội biến chiến dịch bầu cử Nghị viện châu Âu thành một cuộc tranh luận xuyên quốc gia về tương lai của EU. Thời gian qua, cánh hữu cực đoan dân túy đã tập trung vào vấn đề di cư và biến cuộc khủng hoảng này thành lợi thế khi vận động cử tri ủng hộ chính sách bài nhập cư.

Bên cạnh đó, việc các lãnh đạo cánh hữu tại một số nước kêu gọi phe hoài nghi EU lập liên minh nhằm giành quyền kiểm soát trong cơ quan lập pháp châu Âu được xem là thách thức không nhỏ của phe ủng hộ EU trong vòng bầu cử sắp tới.

Dù đã “có chân” trong Nghị viện châu Âu nhưng đại diện các đảng cánh hữu, cực hữu, dân túy và dân tộc chủ nghĩa không có sự thống nhất mà co cụm thành các liên kết khác nhau nên chưa tạo được sức mạnh lớn. Nếu trong thời gian tới, lực lượng này hợp sức tạo thành liên minh mới thì có thể tác động mạnh mẽ tới định hướng và hoạt động chung của cơ quan lập pháp châu Âu. Điều này dẫn đến nguy cơ EU bị chống phá ngay từ bên trong, tạo ra những mối đe dọa khó kiểm soát hơn cả xu hướng ly khai và ly tâm.

Lo ngại trước viễn cảnh này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã buộc phải lên tiếng kêu gọi cử tri tại châu lục không bỏ phiếu cho các đảng chống EU. Ông nhấn mạnh: “Những lực lượng chống châu Âu ở bên ngoài đang tìm cách công khai hoặc bí mật tác động đến các lựa chọn dân chủ của người dân. Tôi kêu gọi tất cả những người quan tâm đến EU cần hợp tác, không cho phép các đảng chính trị được ủng hộ bởi những lực lượng bên ngoài quyết định các ưu tiên chính của EU và là lực lượng lãnh đạo mới tại các tổ chức của châu lục”.

Lục địa già đang trước ngưỡng cửa quan trọng khi nhiều chuyên gia quốc tế nhận định cần phải có những cuộc cải cách sâu rộng mang tính bước ngoặt về thể chế để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo được bầu vào Nghị viện châu Âu sắp tới sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi sự quyết đoán, biết sử dụng quyền lực một cách linh hoạt để giải quyết những khó khăn và đoàn kết các nước thành viên vốn đang trong tình trạng chia rẽ sâu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu trước ngưỡng cửa quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.