Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Lại nổi sóng gió

Minh Hiếu| 15/06/2019 07:45

(HNM) - Mối quan hệ nhiều thăng trầm giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nổi sóng gió trong bối cảnh Washington tăng cường đe dọa trừng phạt Ankara về hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga, còn quốc gia đồng minh của xứ Cờ hoa vẫn kiên quyết theo đuổi đến cùng thương vụ này.

Hợp đồng mua hệ thống S-400 của Nga là nguyên nhân gây ra nhiều tranh cãi giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.


Thỏa thuận mua hệ thống tên lửa S-400 trị giá 2,5 tỷ USD được giới chức Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết vào tháng 12-2017. Trước đó, tại thời điểm cuộc nội chiến ở quốc gia láng giềng Syria có những diễn biến đe dọa an ninh khu vực biên giới phía Nam, Thổ Nhĩ Kỳ đã tính đến nhu cầu mua hệ thống phòng không “rồng lửa” Patriot hiện đại nhất nhì thế giới của Mỹ. Tuy nhiên, mức giá mà Washington đưa ra bị Ankara cho là quá đắt đỏ. Nước này sau đó đã có một số lựa chọn thay thế từ các nước châu Âu, đặc biệt là Italia. Đến năm 2017, khi được Nga đề nghị cung cấp hệ thống S-400 với một mức giá được coi là hợp lý, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã chấp nhận thỏa thuận này.

Hợp đồng mua bán trên vấp phải sự phản đối dữ dội từ xứ Cờ hoa. Nguyên nhân được Mỹ đưa ra là bởi Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia đối tác trong chương trình phát triển máy bay chiến đấu hiện đại F-35 của khối quân sự NATO kể từ khi dự án bắt đầu, và đảm nhiệm sản xuất một số bộ phận của loại máy bay này.

Dự kiến nước này sẽ nhận 120 máy bay trong vài thập kỷ tới. Washington nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga vào các máy bay chiến đấu này sẽ giúp Mátxcơva tiếp cận và thu thập được thông tin về F-35, gây ra mối nguy hiểm đe dọa nền quốc phòng phương Tây.

Quyền Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế Kathryn Wheelbarger nhận định, việc một quốc gia NATO sử dụng vũ khí Nga sẽ gây ảnh hưởng tới khả năng hỗ trợ đồng minh của khối.

Trong một lá thư gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng đã thông báo ý định đình chỉ sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ vào chương trình huấn luyện máy bay chiến đấu F-35 vào cuối tháng 7. Vào ngày 10-6, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết kêu gọi Washington áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara tiếp nhận hệ thống S-400 của Nga.

Trong bối cảnh quốc gia đồng minh quyết tâm xúc tiến thương vụ gây tranh cãi này, Mỹ cũng đã quyết định ngừng tiếp nhận thêm phi công Thổ Nhĩ Kỳ tham gia khóa huấn luyện lái máy bay chiến đấu F-35 và cân nhắc ngừng hẳn chương trình huấn luyện này.

Bất chấp những lời đe dọa và gây áp lực từ phía Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn khẳng định hệ thống S-400 sẽ tách biệt với cơ sở hạ tầng của NATO tại nước này và không có liên hệ gì với F-35. Ngày 13-6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga đã hoàn tất và kỳ vọng hệ thống này sẽ được bàn giao vào tháng 7 tới.

Nước này cũng cáo buộc những lời lẽ trong “tối hậu thư” của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ P.Shanahan là không phù hợp với tinh thần của khối liên minh quân sự NATO. Cùng ngày, Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Aleksei Yerkhov tái khẳng định các cam kết của Mátxcơva trong việc cung cấp S-400, khi các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tham gia khóa huấn luyện vận hành hệ thống này ở Nga.

Các chuyên gia cảnh báo, những động thái cứng rắn từ Washington có thể khiến Ankara chịu nhiều lệnh trừng phạt và mất đi khả năng tác chiến với NATO - vốn là yếu tố then chốt trong mạng lưới phòng thủ này.

Trước những tranh cãi không dứt, Tổng thống R.Erdogan cho biết sẽ trao đổi qua điện thoại với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về vấn đề này trước khi hai bên có cuộc thảo luận trực tiếp tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào cuối tháng 6, với kỳ vọng đưa quan hệ hai nước trở lại “trạng thái ban đầu”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ đồng minh Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ: Lại nổi sóng gió

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.