Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải 2019: Thúc đẩy lợi ích chung

Hoàng Linh| 16/06/2019 07:07

(HNM) - Sau hai ngày nhóm họp, Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) 2019 vừa bế mạc tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan, với sự tham dự của nguyên thủ các quốc gia thành viên gồm: Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan, Uzbekistan và chủ nhà Kyrgyzstan.


Trong Tuyên bố chung Bishkek, các nước nhấn mạnh vai trò quan trọng của SCO trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia thành viên.

Việc có nhiều tương đồng về lợi ích giúp SCO duy trì sự thống nhất.


Tái khẳng định việc một số quốc gia hoặc một nhóm nước củng cố hệ thống phòng thủ đơn phương quá mức đã làm bất ổn tình hình thế giới, SCO cho rằng đây là hành vi đánh đổi an ninh của các quốc gia khác để bảo đảm an ninh của nước mình. Các lãnh đạo SCO cũng đánh giá việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác với danh nghĩa chống khủng bố, lợi dụng các nhóm khủng bố, cực đoan để đạt được mục đích cá nhân là hành động cần lên án.

Việc SCO dễ dàng đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề toàn cầu là điều dễ lý giải. Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới chuyển biến nhanh chóng với những yếu tố mới như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, quan hệ Mỹ - Nga vẫn nóng, Ấn Độ - Pakistan chưa hóa giải được bất đồng, hội nghị năm nay trở thành “cơ hội vàng” để mỗi nước tìm lối thoát cho những vấn đề riêng.

Cụ thể, Trung Quốc đã thể hiện rõ mong muốn có sự ủng hộ từ New Delhi và Islamabad cho việc chống lại các chính sách bảo hộ từ Washington. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Imran Khan để thảo luận việc tăng cường hợp tác song phương. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định coi trọng quan hệ với Ấn Độ và muốn cùng quốc gia Nam Á tăng cường lòng tin chính trị, mở rộng hợp tác thiết thực, thúc đẩy quan hệ đối tác phát triển lên tầm cao mới.

Thông qua hội nghị, Nga cũng tìm được tiếng nói chung với các thành viên SCO trong nhiều vấn đề quan trọng. Ngay trong tuyên bố chung, SCO đã khẳng định lập trường rằng cách duy nhất để giải quyết tình hình ở Syria là thông qua đối thoại, dựa trên việc bảo đảm chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông. Ngoài ra, SCO đã ký văn kiện lộ trình hành động của Nhóm tiếp xúc SCO - Afghanistan.

Bên cạnh sự đồng thuận về nhiều vấn đề chính trị, việc thắt chặt quan hệ với các đối tác trong SCO khiến Nga thuận lợi hơn trong nỗ lực đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trên thực tế, chỉ riêng Ấn Độ và Pakistan đã tạo ra thị trường 1,5 tỷ dân, là không gian thương mại lý tưởng để các doanh nghiệp Nga mở rộng đầu tư. Quan trọng hơn, Ấn Độ hiện vẫn là thị trường vũ khí lớn thứ hai của Nga khi nhập khẩu hơn 68% khí tài từ xứ sở Bạch Dương.

Rào cản duy nhất tại hội nghị SCO 2019 là việc xoa dịu bất đồng giữa Ấn Độ và Pakistan. New Delhi đã cắt đứt đối thoại với Islamabad sau vụ tấn công sân bay quân sự Pathankot hồi tháng 1-2016 và thậm chí còn triển khai các chiến dịch tấn công nhằm trả đũa quốc gia láng giềng sau vụ khủng bố tại Pulwama hồi đầu năm 2019.

Ngay việc Nga bán vũ khí cho Pakistan cũng làm Ấn Độ không hài lòng trong khi những nỗ lực hợp tác chống khủng bố của Trung Quốc và Ấn Độ luôn khiến Pakistan rơi vào tình thế khó xử. Trong bối cảnh quan hệ song phương vẫn bế tắc như hiện nay, khoảng thời gian 48 giờ gặp gỡ trong khuôn khổ SCO chưa đủ tháo gỡ vướng mắc giữa hai bên.

Việc chưa thể “phá băng” mối bất hòa giữa hai thành viên Ấn Độ và Pakistan cho thấy SCO vẫn đang thiếu những cơ chế liên kết chiến lược và chặt chẽ để huy động sức mạnh chung. Dẫu vậy, việc có nhiều tương đồng về lợi ích đã giúp SCO duy trì sự thống nhất về một số vấn đề chủ chốt trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải 2019: Thúc đẩy lợi ích chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.