Theo dõi Báo Hànộimới trên

NATO và tham vọng chưa dừng

Minh Hiếu| 20/06/2019 06:49

(HNM) -  Binh sĩ 12 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang có mặt tại Ba Lan tham gia cuộc tập trận quân sự kéo dài 4 ngày mang tên DRAGON-19.

Cuộc tập trận DRAGON-19 nhằm củng cố khả năng tác chiến của NATO tại phía Đông.


DRAGON-19 là cuộc diễn tập quân sự lớn nhất tại Ba Lan trong năm nay, với sự tham gia của 2.500 đơn vị thiết bị quân sự trong các hoạt động được tổ chức trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng. Đây cũng là dịp để kiểm tra tính tương thích của các lực lượng Ba Lan với đồng minh, thể hiện năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa chung. Sư đoàn Bộ binh Lublin số 11 là lực lượng chính của Ba Lan tham gia diễn tập cùng với các đơn vị quân đội từ Mỹ, Anh, Canada, Đức…

Trước đó, vào tháng 3-2019, nước này đã có cuộc tập trận chung với 1.500 binh sĩ Mỹ tại khu vực phía Tây Bắc. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak nhận định, đây là minh chứng cho cam kết của Washington, đặc biệt đối với Warszawa trong việc bảo đảm an ninh tại sườn phía Đông của NATO.

Hiện Mỹ duy trì khoảng 5.000 quân đồn trú tại Ba Lan, thuộc lực lượng luân chuyển của nước này ở NATO. Chưa đầy một tuần trước cuộc diễn tập, tại buổi họp báo chung nhân chuyến thăm của người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda tới Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch thành lập phi đội trinh sát của máy bay không người lái MQ-9 Reaper và cử thêm 1.000 quân đến nước này. Lực lượng quân bổ sung sẽ được phân bổ tại 6 địa điểm theo các thỏa thuận song phương, chủ yếu nằm tại biên giới phía Đông với chi phí và cơ sở hạ tầng cần thiết do Chính phủ Ba Lan chi trả.

Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức 250.000 binh sĩ Mỹ mà Tổng thống Ba Lan kỳ vọng hiện diện tại nước này. Ông chủ Nhà Trắng cũng bác bỏ khả năng xây dựng căn cứ quân sự vĩnh viễn của Mỹ ở Ba Lan theo yêu cầu của Warszawa nhằm tránh những đòn đáp trả quyết liệt từ phía Nga.

Tuy nhiên, quyết định của Tổng thống D.Trump chưa đủ xoa dịu xứ Bạch dương. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, nước này coi các động thái quân sự của NATO cũng như việc triển khai quân Mỹ tới Ba Lan là sự bội ước đối với Hiệp ước cơ sở Nga - NATO năm 1997. Theo đó, khối này cam kết không triển khai lực lượng quân sự thường trực tới lãnh thổ của các nước thành viên mới.

Như một lời đáp trả mạnh mẽ, Moscow cũng đã triển khai cuộc tập trận chiến thuật Slavic Brotherhood-2019 với Belarus và Serbia kéo dài đến cuối tháng này nhằm huấn luyện phối hợp hành động và thực hành các nhiệm vụ chiến thuật chống khủng bố. Nga cũng đang theo dõi chặt chẽ các cuộc tập trận để đánh giá nguy cơ và có biện pháp đối phó thích hợp.

Rõ ràng, những cuộc tập trận chung diễn ra liên tiếp cùng việc tăng cường hiện diện quân sự tại các quốc gia ngay sát biên giới Nga cho thấy tham vọng mở rộng ảnh hưởng sang phía Đông của NATO chưa bao giờ dừng lại, bất chấp cảnh báo từ Moscow.

Áp lực đối với xứ sở Bạch dương càng gia tăng khi tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định nước này theo đuổi mục tiêu gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và NATO, đồng thời coi đây là ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Việc tăng cường các hoạt động quân sự nhằm răn đe lẫn nhau chắc chắn sẽ càng khiến quan hệ Nga - NATO thêm rạn nứt, làm sâu sắc thêm cuộc đối đầu Đông - Tây và đặt an ninh khu vực vào viễn cảnh nhiều rủi ro hơn.

Những diễn biến vừa qua cũng đẩy Moscow và Washington thêm xa cách trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) diễn ra cuối tháng này tại Nhật Bản, nơi Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ D.Trump dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NATO và tham vọng chưa dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.