Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành tựu cần được bảo vệ và duy trì

Minh Hiếu| 18/08/2019 07:35

(HNM) - Kỷ nguyên mới của chủ nghĩa cực đoan đang đe dọa nghiêm trọng các Công ước Geneva năm 1949. Đây là cảnh báo do đại sứ các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp vào ngày 13-8 vừa qua, nhân kỷ niệm 70 năm ra đời các văn kiện đặt nền tảng cho Luật Nhân đạo quốc tế này.

Các Công ước Geneva năm 1949 gồm 4 công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh chiến tranh, quân nhân bị thương và bệnh tật. Cụ thể, đó là Công ước về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước về bảo hộ thường dân trong chiến tranh và Công ước về bảo vệ tù binh trong chiến tranh. Theo Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassi, sau Chiến tranh Thế giới thứ II, vào năm 1949, các quốc gia trên thế giới đã chấp thuận các Công ước Geneva vì những giá trị đạo đức phổ quát mà các văn kiện này chứa đựng, thể hiện một cam kết mang tính toàn cầu vì nhân loại, hướng tới việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột vũ trang.

Trong 7 thập niên vừa qua, các văn kiện này đã thành công trong việc ngăn chặn đáng kể các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, trường học, bệnh viện và các mục tiêu dân sự khác. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nhóm khủng bố và phần tử cực đoan đã vi phạm trắng trợn giá trị tinh thần và ý nghĩa pháp lý của Công ước Geneva 1949. Bằng chứng về tình trạng vi phạm ở quy mô lớn được thể hiện qua việc các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay tổ chức khủng bố Al-Qaeda tấn công trụ sở các cơ quan, tổ chức phi chính phủ, phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự của nước sở tại.

Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Jonathan Cohen cho rằng, việc vi phạm các Công ước Geneva năm 1949 được coi là những hành vi vi phạm đạo đức trong chiến tranh, khi các bên tham gia xung đột gây ra đau thương, thương tích hoặc hủy diệt không thực sự cần thiết để đạt được mục đích quân sự. Trong khi đó, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nhấn mạnh, các lỗ hổng trong Luật Nhân đạo quốc tế đã gây trở ngại cho việc áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau và khó lòng đưa ra các giải pháp phù hợp. Trong một số trường hợp, nhu cầu nhân đạo lại bị xếp xuống hàng thứ yếu vì lý do an ninh nội bộ.

Song tất cả các quốc gia đều thống nhất ở một điểm quan trọng, đó là các quy tắc hiện hành đều rất chính đáng, cần thiết, là thành tựu của thời đại và cần phải được bảo vệ và duy trì. Dấu mốc kỷ niệm 70 năm ký kết các Công ước Geneva là cơ hội để các quốc gia thực hiện biện pháp và hành động cụ thể hướng tới các cam kết vì nhân loại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu cần được bảo vệ và duy trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.