Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dư luận quốc tế tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

Quỳnh Dương| 22/08/2019 06:56

(HNM) - Ngày 20-8, Giáo sư về quan hệ quốc tế Lee Woong-Hyeon, Chủ tịch Viện Nghiên cứu địa chính trị Hàn Quốc cho rằng, việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam là hành động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giáo sư Lee Woong-Hyeon nhấn mạnh, các nước không nên từ bỏ những nỗ lực sử dụng các chuẩn mực quốc tế để giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp. Khung pháp lý cho hòa bình và an ninh ở Biển Đông, đồng thời là nguyên tắc chung lâu nay về tự do hàng hải, đó là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đây là khung tham chiếu pháp lý quan trọng nhất mà Chính phủ Việt Nam có thể củng cố lập trường của mình. Ngoài ra, yêu sách "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh không thể được coi là một khung pháp lý quốc tế và không được các quốc gia khác chấp nhận. Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) năm 2016 cũng đã bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước, đặc biệt là Việt Nam, đã tiến hành từ lâu.

Giáo sư Carl A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia cho rằng, trong vụ việc tại bãi Tư Chính, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hoạt động khảo sát và có tính thương mại khác của Trung Quốc trong EEZ của Việt Nam ở Biển Đông phải được sự cho phép của Việt Nam vì chỉ Việt Nam mới có quyền đối với mọi nguồn lực tại vùng nước và dưới đáy biển trong khu vực này. Mọi quốc gia ven biển đều nắm rõ điều đó.

Trong khi đó, ông James Gomes, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á đánh giá cao cách hành xử đúng đắn của Việt Nam trong vụ việc căng thẳng với Trung Quốc hiện nay tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh Biển Đông phải là khu vực tự do di chuyển, giao thương cũng như hợp tác trong hòa bình. Việc Trung Quốc tạo ra những căng thẳng như hiện nay và tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn diện tích Biển Đông là một vấn đề lớn. Cách thức Việt Nam đang thực hiện nhằm kiên quyết bảo vệ chủ quyền là chiến lược đúng đắn.

Tiến sĩ Takashi Hosoda, chuyên gia nghiên cứu về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Trường Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Czech) khẳng định, khu vực gần bãi Tư Chính mà Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là vùng biển hoàn toàn nằm trong EEZ của Việt Nam và Trung Quốc không có cơ sở để đòi hỏi chủ quyền tại đây. Theo ông, hành vi của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam cũng như vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 mà nước này là thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dư luận quốc tế tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc trên Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.