Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Anh công du Đức và Pháp: Chưa gỡ được những "chốt chặn" của Brexit

Minh Hiếu| 25/08/2019 07:10

(HNM) - Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa có chuyến thăm tới Đức, Pháp và làm việc với lãnh đạo hai quốc gia đầu tàu châu Âu nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ giúp tháo gỡ bế tắc cho “hợp đồng ly hôn” giữa xứ sở Sương mù với Liên minh châu Âu (EU). Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu Chính phủ Anh diễn ra khi thời hạn chót ngày 31-10 để hoàn tất tiến trình nước này rời khỏi “mái nhà chung”, còn gọi là Brexit đang đếm ngược từng ngày.

Thủ tướng Anh B.Johnson vừa có chuyến thăm Đức và Pháp nhằm thuyết phục hai nước ủng hộ đề xuất về Brexit.

Thông điệp chung được Thủ tướng B.Johnson gửi tới các nhà lãnh đạo Đức và Pháp là đề nghị họ thay đổi lập trường về Brexit và đàm phán lại một thỏa thuận mới. Vấn đề then chốt hiện nay là điều khoản “chốt chặn”, được hiểu là một biện pháp bảo đảm sẽ không có đường biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU, ngay cả khi EU và Anh không đạt được thỏa thuận chính thức về các vấn đề thương mại và an ninh.

Thủ tướng B.Johnson cho rằng, điều khoản này có những nhược điểm lớn, có thể khiến Anh bị ràng buộc với EU vô thời hạn và do đó phải được loại bỏ khỏi thỏa thuận Brexit. Nhà lãnh đạo 55 tuổi vẫn luôn coi đây là vấn đề tiên quyết để đàm phán với EU, đồng thời khẳng định Anh sẽ ra đi đúng thời hạn dù có một thỏa thuận hay không.

Song câu trả lời của người đồng cấp Đức lại rất rõ ràng. Thủ tướng Angela Merkel khẳng định, Berlin sẵn sàng để London ra đi mà không ký kết văn kiện nào với EU. Brussels không có ý định đàm phán lại bản thỏa thuận Brexit đã đạt được với Chính phủ của cựu Thủ tướng Anh Theresa May hồi tháng 11-2018.

Tuy nhiên, Thủ tướng A.Merkel cũng có một số nhượng bộ nhất định khi cho rằng nước Anh có thể đề xuất cách tiếp cận linh hoạt hơn cho vấn đề này trong vòng 30 ngày bởi điều khoản “chốt chặn” chỉ được coi là nguyên tắc chuyển tiếp và giải pháp cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 2 năm tới. Hoạt động kiểm soát biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland là không cần thiết và tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất cũng có thể được duy trì nếu Anh và EU định hình lại quan hệ giữa hai bên trong tương lai.

Cùng chung quan điểm với nhà lãnh đạo Đức, trong cuộc gặp Thủ tướng Anh B.Johnson tại Paris vào ngày 22-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa nhấn mạnh rằng thỏa thuận Anh rời EU không thể thiếu điều khoản “chốt chặn”.

Ông chủ Điện Elysee nhận định, đây vừa là biện pháp để bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường châu Âu, vừa là điều kiện bảo đảm sự ổn định của Cộng hòa Ireland. Do đó, mọi ý tưởng mới của London đều phải tôn trọng hai nội dung này.

Nhà lãnh đạo Pháp cho hay, EU cũng mong muốn nhìn thấy những đề xuất cụ thể của Anh về kế hoạch Brexit trong vòng một tháng với điều kiện những ý tưởng mới liên quan đến vấn đề đường biên giới Ireland cần phù hợp với thỏa thuận mà London và Brussels đã đàm phán.

Với những câu trả lời dứt khoát từ hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp, việc có một thỏa thuận Brexit mới giữa Anh và EU dường như là không thể. Thực hiện cam kết ra đi “bằng mọi cách” của Thủ tướng B.Johnson, nước Anh cũng đang chuẩn bị cho kịch bản Brexit “cứng”. Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid mới đây chia sẻ rằng trong vài ngày tới ông sẽ công bố quỹ 1 tỷ bảng để Anh rời EU vào ngày 31-10 dù hai bên có thỏa thuận hay không.

Thế nhưng, nếu điều này xảy ra sẽ để lại những hậu quả nặng nề cho cả hai phía, đặc biệt trong vấn đề kinh tế. Anh mới đây đã khẳng định sẽ chấm dứt tự do đi lại với EU ngay lập tức sau khi rời khỏi khối nếu không đạt được thỏa thuận, tạo ra nhiều mối lo ngại cho các doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, với kết quả chuyến công du Đức và Pháp của Thủ tướng B.Johnson, viễn cảnh về một “cuộc chia tay” không cam kết giữa Anh và EU đang có nguy cơ trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Anh công du Đức và Pháp: Chưa gỡ được những "chốt chặn" của Brexit

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.