Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều nước đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại về nguy cơ mất ổn định và an ninh trên Biển Đông

31/08/2019 07:01

(HNM) - Trước các hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng tại Biển Đông trong những tuần gần đây, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Đức, Pháp, Ấn Độ... đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại.

Trong thông cáo được đưa trên trang web chính thức của EU ngày 28-8 nhấn mạnh: "Những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên Biển Đông đã khiến căng thẳng gia tăng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự bình yên phát triển kinh tế của khu vực".

Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế, không quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS).

Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Gulf Times)

Cũng trong thông cáo, EU mong muốn các bên sớm hoàn tất, trên tinh thần minh bạch, các cuộc đàm phán về bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý. EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia.

Trong một thông cáo chung phát đi ngày 29-8, 3 nước châu Âu, đều là thành viên của UNCLOS, gồm Anh, Đức và Pháp cho biết: "Anh, Đức và Pháp rất lo ngại, tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn, mất an ninh trong khu vực. 3 nước kêu gọi tất cả quốc gia ven Biển Đông thực hiện các bước và biện pháp giảm căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm chú ý quyền của những quốc gia ven biển trong vùng biển của họ và quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông".

3 nước châu Âu này cũng hoan nghênh những cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được bộ quy tắc ứng xử phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông, khuyến khích các bên sớm đạt thỏa thuận.

Cũng trong ngày 29-8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar đã lên tiếng về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh: “Biển Đông là một phần của chung trên toàn cầu. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở tại các vùng biển quốc tế theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Sự khác biệt phải được giải quyết một cách hòa bình bằng cách tôn trọng quy trình pháp lý và ngoại giao, không thể dùng đến đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. 

Trong khi đó, một số chuyên gia của Cộng hòa Czech cho rằng, cộng đồng quốc tế cần kiên quyết phản ứng mạnh mẽ để kiềm chế và ngăn chặn các hoạt động leo thang căng thẳng và lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Nhà báo Alex Svamberg, chuyên gia phân tích các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Báo Tin tức Czech đánh giá cao việc Việt Nam kiên quyết đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lấn lướt của Trung Quốc trên thực địa, và cho rằng: Việt Nam không đơn độc trong vấn đề Biển Đông vì với chính sách đối ngoại đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam sẽ có được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là ASEAN và các nước có tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nước đồng loạt lên tiếng bày tỏ quan ngại về nguy cơ mất ổn định và an ninh trên Biển Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.