Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố

Minh Hiếu| 29/10/2019 06:57

(HNM) - Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận thủ lĩnh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào tỉnh Idlib ở miền Tây Bắc Syria. Đây được coi là đòn giáng mạnh vào tàn quân của IS tại khu vực, tạo bước ngoặt trong cuộc chiến chống khủng bố do xứ Cờ hoa phát động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức trong Phòng Tình huống theo dõi cuộc đột kích tiêu diệt thủ lĩnh IS.

Chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS được Tổng thống D.Trump phê duyệt gần 1 tuần trước, sau khi Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) xác định chính xác vị trí của thủ lĩnh IS. Ông chủ Nhà Trắng cho biết al-Baghdadi đã chết “một cách hèn nhát” sau khi tự sát cùng 3 người con bằng cách kích nổ đai bom quấn quanh người, khi đặc nhiệm Mỹ tấn công vào nơi ẩn náu của tên này cùng gia đình.

Chỉ ít giờ sau đó, một phần tử khủng bố khét tiếng khác là al-Muhajir, phát ngôn viên IS, cánh tay phải của al-Baghdadi cũng bị tiêu diệt trong trận đột kích của dân quân người Kurd và quân đội Mỹ tại thành phố Jarablus (Syria).

Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi năm 2011. Vào thời kỳ “hoàng kim”, vương quốc Hồi giáo tự xưng kiểm soát hàng triệu người tại các vùng lãnh thổ chạy từ phía Bắc Syria tới ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq. Thủ lĩnh của tổ chức khủng bố khét tiếng này đã lẩn trốn sự truy lùng quốc tế trong suốt 5 năm qua.

Sau khi rút vào hoạt động ngầm, tháng 4-2019, y bất ngờ tái xuất với một đoạn video trên mạng truyền thông al-Furquan của IS, trong đó kêu gọi các phần tử thánh chiến tiếp tục ủng hộ tổ chức và nỗ lực kháng cự để sẵn sàng hồi sinh “đế chế”.

Theo chỉ huy Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu, cuộc đột kích của Mỹ nhằm tiêu diệt đối tượng này đã bị hoãn lại một tháng do Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự "Mùa xuân hòa bình" nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria mà Ankara cáo buộc là khủng bố. Tổng thống D.Trump đánh giá cao vai trò của lực lượng người Kurd ở Syria trong việc cung cấp thông tin giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS, với các hoạt động tình báo chung kéo dài trong suốt 5 tháng qua.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng khẳng định Washington sẽ không cân nhắc lại việc rút quân khỏi Syria - điều khiến giới quan sát lo ngại sẽ tạo điều kiện cho các phần tử IS trỗi dậy một lần nữa ở khu vực này. Không lâu sau khi al-Baghdadi bị tiêu diệt, IS được cho là đã chỉ định Abdullah Qardash, một trong những lãnh đạo cấp cao của IS phụ trách các vấn đề Hồi giáo làm thủ lĩnh mới thay thế.

Lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đều lên tiếng chúc mừng xứ Cờ hoa với thành công trong sứ mệnh tiêu diệt thủ lĩnh IS. Đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi cái chết của al-Baghdadi là thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời cam kết hợp tác với các đối tác để chấm dứt hành động tàn ác, man rợ của IS.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia cũng cảnh báo cái chết của al-Baghdadi chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức khủng bố này và cuộc chiến nhằm quét sạch các phần tử cực đoan vẫn còn tiếp diễn. Trong một lá thư gửi cảnh sát Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner của nước này kêu gọi sự giám sát chặt chẽ đối với các sự kiện công cộng trong những ngày kế tiếp trước khả năng tấn công trả thù của các phần tử thánh chiến.

Việc thủ lĩnh tối cao IS al-Baghdadi bị tiêu diệt đánh dấu kết thúc chiến dịch truy lùng kéo dài nhiều năm với một trong những phần tử khủng bố bị truy lùng gắt gao nhất thế giới. Tổng thống D.Trump từng gọi đây là ưu tiên an ninh quốc gia hàng đầu của chính quyền Mỹ dưới thời của mình, hướng tới mục tiêu xa hơn là đưa cuộc chiến chống khủng bố đến hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt của cuộc chiến chống khủng bố

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.