Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỹ công nhận tính hợp pháp của các khu định cư Do Thái: Tiến trình hòa bình thêm bế tắc

Minh Hiếu| 21/11/2019 06:52

(HNM) - Tiến trình hòa bình Trung Đông vốn đã đi vào ngõ cụt nay lại thêm bế tắc sau tuyên bố đầy tranh cãi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, Washington ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây.

Động thái này đánh dấu sự đảo ngược chính sách của xứ Cờ hoa trong hơn 40 năm qua khi bác bỏ quan điểm pháp lý của chính Bộ Ngoại giao nước này từ năm 1978 cho rằng các khu định cư Do Thái xây dựng trên các vùng đất của người Palestine vi phạm luật pháp quốc tế.

Một khu định cư của Israel tại vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây.

Giải thích cho quyết định trên, chính quyền Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã phối hợp với nhóm hòa bình do con rể của Tổng thống Donald Trump là cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner dẫn đầu, làm việc trong suốt 1 năm qua để đi đến tuyên bố này. Sau khi nghiên cứu kỹ mọi khía cạnh của cuộc tranh cãi pháp lý chưa ngã ngũ, Washington cho rằng về bản chất, các khu định cư dân sự của Israel ở Bờ Tây không phải không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Bước đi mới nhất của Mỹ tiếp tục nối dài chuỗi động thái thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ với đồng minh Israel và làm gia tăng căng thẳng với Palestine cùng các nước trong khu vực sau một loạt hành động bất ngờ trước đó như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, cắt viện trợ cho Cơ quan hỗ trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA), đóng cửa Văn phòng đại diện của Palestine tại thủ đô Washington.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức hoan nghênh sự thay đổi chính sách của Mỹ. Ngay trước cuộc bầu cử hồi tháng 9 vừa qua, nhà lãnh đạo Israel cũng từng tuyên bố sẽ sáp nhập các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây nếu được bầu lại làm Thủ tướng.

Thế nhưng, trên thực tế, các khu định cư luôn là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Đây cũng là chướng ngại lớn đối với các nỗ lực thúc đẩy hòa bình.

Theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các khu định cư Do Thái bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế khi chúng vi phạm Công ước Geneva thứ tư về việc cấm nước chiếm đóng đưa dân cư của mình tới khu vực bị chiếm đóng. Trong khi đó, Israel khẳng định rằng các khu định cư là cần thiết cho an ninh của nước này và buộc người Palestine công nhận nếu muốn đổi lấy một thỏa thuận hòa bình.

Vì vậy, sự hậu thuẫn của Mỹ dành cho các chính sách được quốc tế xác định là bất hợp pháp của Israel đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hàng loạt quốc gia trên thế giới. Ông Nabil Abu Rudeineh, Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án hành động này là hoàn toàn đi ngược lại luật pháp quốc tế. Ngay cả các đồng minh truyền thống của xứ Cờ hoa cũng đưa ra những phản ứng gay gắt. Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa khẳng định rằng theo luật quốc tế, hoạt động định cư của Israel tại vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine là bất hợp pháp.

Người phát ngôn về nhân quyền của Liên hợp quốc Rupert Colville nêu rõ sẽ tiếp tục theo đuổi lập trường lâu nay là các khu định cư của Israel đang vi phạm pháp luật quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự thay đổi quan điểm của một nước không làm biến dạng hệ thống luật pháp hiện hành.

Từng là một bên trong nhóm Bộ Tứ thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine, sự đảo ngược chính sách của chính quyền Tổng thống D.Trump trong rất nhiều vấn đề trọng yếu liên quan đến cuộc xung đột thời gian gần đây đã hạ thấp vai trò của Mỹ trong tiến trình này như một trung gian tích cực và công bằng. Điều đó cũng trực tiếp gây tổn hại đến triển vọng thúc đẩy hòa bình Trung Đông được cộng đồng quốc tế mong đợi nhằm giải quyết một trong những "điểm nóng" an ninh dai dẳng nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ công nhận tính hợp pháp của các khu định cư Do Thái: Tiến trình hòa bình thêm bế tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.