Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hàn Quốc gia hạn Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản: Quyết định chiến lược

Minh Hiếu| 25/11/2019 07:18

(HNM) - Chỉ vài giờ trước khi Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản hết hiệu lực, giới chức Hàn Quốc đã đưa ra quyết định gia hạn thỏa thuận này. Động thái của Seoul đã phần nào giúp giảm bớt căng thẳng với Tokyo trong nhiều vấn đề vốn xuất phát từ những tranh cãi lịch sử thời chiến chưa ngã ngũ giữa hai quốc gia láng giềng khu vực Đông Bắc Á.

Được ký kết từ năm 2016, GSOMIA cho phép Hàn Quốc và Nhật Bản chia sẻ các thông tin bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng. Tuy nhiên, hồi tháng 8 vừa qua, Seoul đã thông báo với Tokyo về việc sẽ chấm dứt thỏa thuận trên sau khi xứ Phù tang áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với nguyên liệu công nghệ cao xuất khẩu sang nước này. Trong khi Nhật Bản nỗ lực kêu gọi duy trì GSOMIA thì Hàn Quốc yêu cầu trước tiên phải dỡ bỏ các hạn chế thương mại và coi đây là điều kiện tiên quyết để tiếp tục thực hiện hiệp định chung. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono lo ngại, việc văn kiện hợp tác giữa hai nước hết hiệu lực dù không tác động trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản nhưng có thể gửi thông điệp sai lệch đến Triều Tiên và các nước khác trong khu vực. Việc hai bên đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn và không có dấu hiệu nhượng bộ - khiến giới quan sát từng lo ngại về một kịch bản không mong đợi là GSOMIA sẽ chấm dứt - đẩy căng thẳng tại Đông Bắc Á lên cao trào.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Nhật Bản Toshimitsu Motegi đã có cuộc gặp sau khi GSOMIA được gia hạn.

Các quan chức Mỹ cũng bày tỏ quan ngại rằng, quan hệ đi xuống giữa hai quốc gia đều là đồng minh quan trọng của Washington tại châu Á đang làm phức tạp tình hình ngoại giao ở khu vực. Ngày 21-11, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Hàn Quốc cân nhắc kỹ việc chấm dứt GSOMIA cũng như tái khẳng định tầm quan trọng của hiệp định này. Nghị quyết nêu rõ, việc chấm dứt GSOMIA có thể trực tiếp phương hại đến an ninh quốc gia Mỹ vào thời điểm “Triều Tiên gia tăng hành động khiêu khích”, trong đó có 12 vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm nay, bao gồm cả các loại tên lửa có khả mang đầu đạn hạt nhân được phóng từ trên bộ và trên biển. 

Do đó, thông báo của Phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Kim You-geun thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc về việc không rút lại GSOMIA đã giảm bớt những lo ngại của các bên liên quan, mang lại lợi ích cho hợp tác song phương và quan hệ giữa các đồng minh. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngay lập tức ca ngợi Hàn Quốc vừa đưa ra một quyết định chiến lược bởi sự hợp tác Nhật Bản - Hàn Quốc cũng như Nhật Bản - Mỹ - Hàn Quốc được đánh giá là vô cùng quan trọng trong giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng như duy trì hòa bình, an ninh khu vực. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá, quyết định của Hàn Quốc đã gửi đi thông điệp tích cực tới các quốc gia đồng minh của xứ Cờ hoa về việc có thể thảo luận để giải quyết các bất đồng. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục duy trì thái độ chân thành để tìm ra một giải pháp lâu dài cho những khác biệt liên quan đến lịch sử hai nước.

Triển vọng tháo gỡ nút thắt trong quan hệ giữa Seoul và Tokyo tiếp tục được củng cố sau tuyên bố của Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết, Seoul và Tokyo đã nhất trí tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ba bên Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc, được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 12 tới. Tại cuộc gặp này, Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng liên quan tới GSOMIA và các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ của Nhật Bản, hướng tới hạ nhiệt căng thẳng thương mại song phương, đóng góp cho sự ổn định của quan hệ giữa hai nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàn Quốc gia hạn Hiệp định Chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản: Quyết định chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.