Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối tượng dễ bị tổn thương

Minh Hiếu| 10/05/2020 07:33

(HNM) - Theo số liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 5-5, trong năm 2019, ước tính đã có khoảng 46 triệu người trên thế giới, trong đó có 19 triệu trẻ em phải rời bỏ nhà cửa đi tha hương trong nước do ảnh hưởng của các cuộc xung đột và thảm họa. Con số kỷ lục và đáng báo động này cho thấy trẻ em vẫn tiếp tục là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước các tác động từ bên ngoài như chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai.

 Ảnh minh hoạ: Truong Viet Hung

Báo cáo của UNICEF ghi nhận, riêng trong năm 2019, hơn 40% trong số những người phải rời bỏ nhà cửa là trẻ em dưới 18 tuổi. Số lượng trẻ em phải tha hương cũng tăng thêm 12 triệu em so với năm 2018, trong đó gồm 3,8 triệu em rời bỏ nhà cửa do xung đột, bạo lực và 8,2 triệu em rời bỏ nhà cửa do các thảm họa, chủ yếu liên quan tới thiên tai. UNICEF nhận định, đại dịch Covid-19 đang khiến cho tình hình nguy cấp của trẻ em năm 2020 tồi tệ hơn. Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nêu rõ, hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới phải rời bỏ nhà cửa đã không nhận được sự quan tâm chăm sóc và bảo vệ một cách thích hợp. Khi các cuộc khủng hoảng mới xuất hiện như đại dịch Covid-19 hiện nay, các em càng trở nên dễ bị tổn thương.

Trước đó, đại diện UNICEF cũng bày tỏ lo ngại về việc số lượng các quốc gia có xung đột đã lên tới mức cao nhất kể từ khi Công ước về Quyền trẻ em năm 1989 được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua, với hàng chục cuộc xung đột vũ trang và bạo lực khiến những đứa trẻ bị sát hại, đánh đập hay buộc phải rời khỏi nhà của mình. Các cuộc xung đột trên thế giới kéo dài hơn, gây thương vong lớn hơn và tác động tới nhiều nạn nhân trẻ hơn.

Giám đốc điều hành UNICEF gọi đây là thập kỷ "chết chóc" khi có sự gia tăng gấp 3 lần các vụ tấn công nhằm vào trẻ em. Cụ thể, hơn 170.000 vi phạm nghiêm trọng đã được xác minh kể từ năm 2010, tức là trung bình mỗi ngày có 45 vụ vi phạm đối với trẻ em trong các cuộc xung đột. Các cuộc tấn công vào trẻ em không hề suy giảm dù các bên tham chiến vẫn liên tục cam kết tuân thủ một trong những nguyên tắc cơ bản nhất là bảo vệ trẻ em trong chiến tranh. Con số thực tế thậm chí còn cao hơn nhiều bởi có những hành vi bạo lực nhằm vào trẻ em không bị phát hiện và không được báo cáo.

UNICEF nhấn mạnh, trẻ em rời bỏ nhà cửa không thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản và có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, lạm dụng, trở thành nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em, lao động trẻ em, tảo hôn và ly tán gia đình. Do đó, quỹ này kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức xã hội, khu vực tư nhân, các tổ chức nhân đạo và chính bản thân các em cần nỗ lực đoàn kết để khắc phục những vấn nạn nhức nhối này, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham chiến phải tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế và chấm dứt ngay lập tức các hành vi vi phạm đối với trẻ em, chấm dứt việc nhắm mục tiêu tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự như trường học, bệnh viện, nguồn nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối tượng dễ bị tổn thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.