Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán Israel - Lebanon: Kỳ vọng tạo chuyển biến lớn cho Trung Đông

Quỳnh Dương| 14/10/2020 06:15

(HNM) - Chưa đầy một tháng sau lễ ký kết thiết lập quan hệ với Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), hôm nay (14-10), Israel dự kiến bắt đầu cuộc đàm phán về phân định biên giới trên biển và trên bộ với Lebanon dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Động thái có thiện chí giữa hai quốc gia vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kéo dài hơn ba thập kỷ qua được kỳ vọng sẽ tạo thêm những chuyển biến lớn cho tình hình tại Trung Đông.

Hợp tác thăm dò dầu khí sẽ mang lại lợi ích cho cả Israel và Lebanon.

Ngày 12-10, Lebanon công bố danh sách phái đoàn tham gia cuộc đàm phán. Dẫn đầu là Chuẩn tướng Không quân Bassam Yassin. 3 thành viên khác là Đại tá hải quân Mazen Basbous, quan chức dầu khí Liban Wissam Chbat và chuyên gia biên giới Najib Massihi. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chúc mừng việc Israel và Lebanon ngồi vào bàn đàm phán, đồng thời tin tưởng, các cuộc thảo luận có khả năng mang lại sự ổn định, an ninh và thịnh vượng hơn cho người dân cả hai nước.

Hiện tại, Israel và Lebanon đang bất đồng trong việc phân chia quyền thăm dò, khai thác các mỏ dầu khí đầy tiềm năng ở Địa Trung Hải. Diện tích tranh chấp ước tính khoảng 531km2. Theo tính toán của các chuyên gia dầu khí, nhiều khả năng, vùng biển tranh chấp giữa Lebanon và Israel có các mỏ khí đốt, lợi nhuận từ hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này dự báo đạt 600 tỷ USD trong những năm tới. Đây chính là động lực lớn để hai bên liên tục thúc đẩy các hoạt động thăm dò dầu khí thời gian qua.

So với các nước trong khu vực đã phát hiện những mỏ khí lớn thì Lebanon lại chậm chân hơn vì phải trải qua 1 thập kỷ vật lộn với tình hình chính trị bất ổn và xung đột trong nước. Các hoạt động thăm dò liên tục bị trì hoãn. Từ năm 2017 đến nay, Lebanon mới cấp phép khoan thăm dò cho các Tập đoàn Total, Eni và Novatek trong vùng biển của mình, song chưa phát hiện ra các cấu tạo dầu khí có tiềm năng thương mại.

Về vấn đề biên giới trên bộ, lấy lý do truy quét tổ chức Hezbollah, vốn được coi là kẻ thù không đội trời chung của Israel, chính quyền Tel Avip (Israel) đã nhiều lần đưa quân vượt qua biên giới Lebanon và hai lần xâm chiếm quốc gia láng giềng này vào các năm 1978 và 1982. Đến năm 1985, Israel rút hết quân nhưng vẫn kiểm soát vùng đệm an ninh kéo dài hơn 19km nằm trong lãnh thổ Lebanon cho đến năm 2000. Kể từ đó đến nay, tình hình biên giới vẫn không yên ả vì cả hai bên nhiều lần vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn.

Trong bối cảnh như vậy, đàm phán sẽ có tác động mạnh mẽ tới quan hệ chính trị giữa hai nước, giúp giảm thiểu đối địch. Điều này đặc biệt có lợi cho Lebanon khi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Mới đây, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Tây Á của Liên hợp quốc (ESCWA) cảnh báo, hơn 50% dân số Lebanon có nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối năm nay. Nguyên nhân của tình trạng này là do Lebanon phụ thuộc tới 85% vào nhập khẩu lương thực. Vụ nổ lớn hôm 4-8 tại nhà kho chứa phân bón ở cảng Beirut (Lebanon) - cũng là nơi đặt kho chứa ngũ cốc lớn nhất nước này đã ảnh hưởng lớn tới dự trữ lương thực của Lebanon. Giá đồng nội tệ đã mất 78% giá trị và dự kiến tỷ lệ lạm phát trung bình năm sẽ là hơn 50%.

Theo Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri, nếu hai nước đạt được thỏa thuận phân định biên giới trên biển, tạo điều kiện cho mỗi bên tự khai thác tài nguyên trên vùng lãnh hải của mình, hoặc hợp tác vì lợi ích chung, Lebanon sẽ có thể chi trả cho khoản nợ công lên tới 150% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Xét trên bình diện rộng hơn, quan hệ giữa Israel và Lebanon được cải thiện sẽ có tác động tích cực tới tình hình chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông, vốn chìm trong nhiều cuộc xung đột những năm gần đây. Vì lẽ đó, nếu Israel và Lebanon đạt được thỏa thuận, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử đáng ghi nhận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán Israel - Lebanon: Kỳ vọng tạo chuyển biến lớn cho Trung Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.