Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước ngoặt cho nền hòa bình

Thùy Dương| 30/10/2020 06:53

(HNM) - Sau khi hai phe phái đối địch chính tại Libya đạt được thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phê chuẩn lệnh ngừng bắn này, đồng thời kêu gọi các bên thực thi cam kết một cách trọn vẹn. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng để quốc gia Bắc Phi này hướng tới một nền hòa bình ổn định và lâu dài.

Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, hai phe xung đột tại Libya đã nhất trí được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Geneva (Thụy Sĩ).

Sau 5 ngày thảo luận tại Geneva (Thụy Sĩ), Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) và Lực lượng quân đội quốc gia Libya (LNA) đã nhất trí thỏa thuận ngừng bắn lâu dài và ngay lập tức. Theo đó, tất cả lính đánh thuê cùng các tay súng nước ngoài sẽ rời Libya trong vòng 3 tháng kể từ ngày ký kết lệnh ngừng bắn toàn quốc. Kết quả đạt được đã làm sống lại hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng lâu nay, đồng thời là tiền đề quan trọng tiến tới thành lập chính quyền thống nhất tại quốc gia Bắc Phi này.

Liên minh châu Âu gọi thỏa thuận là một “tin tức tốt lành”, trong khi Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng, thỏa thuận đáp ứng được mong muốn, nguyện vọng của tất cả người dân Libya về chủ quyền trước những can dự từ bên ngoài. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng bày tỏ hy vọng những nỗ lực này mang lại lợi ích cho các bên tại Libya.

Có thể nói, xung đột vũ trang tại Libya là một trong những vấn đề phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Từ năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính quyền song song với sự hậu thuẫn của các lực lượng vũ trang riêng. GNA kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của Liên hợp quốc, Qatar và các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông, được Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Ai Cập ủng hộ.

Việc các quốc gia bên ngoài đưa binh lính và vũ khí đến Libya đã châm ngòi cho các cuộc chiến đẫm máu ở quốc gia này, đồng thời chia rẽ và làm rạn nứt sâu sắc ngay cả trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thực chất của sự can thiệp nước ngoài vào Libya là cuộc chiến tranh giành dầu mỏ. Bởi lẽ, mặc dù trữ lượng dầu mỏ của Libya chỉ đứng thứ 7 thế giới nhưng lợi thế về vị trí địa lý, chi phí khai thác thấp, chất lượng dầu thuộc tốp đầu thế giới chính là "miếng mồi béo bở", thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia muốn can dự để chia phần.

Thời gian qua, các cuộc nội chiến đẫm máu ở Libya diễn ra triền miên làm hàng nghìn người thương vong và hơn 16.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ giữa GNA và LNA. Mãi cho đến ngày 21-8 vừa qua, hai bên mới tuyên bố ngừng bắn trên cả nước và một tín hiệu hòa bình thật sự đang trở thành hiện thực tại cuộc đàm phán thành công hôm 24-10 ở Geneva.

Bên cạnh lệnh ngừng bắn lâu dài, tình hình tại Libya thời gian qua cũng ghi nhận nhiều tiến triển tích cực, như: Chấm dứt lệnh phong tỏa các cơ sở khai thác dầu mỏ, mở cửa trở lại các tuyến đường giao thông nội địa; đại diện các phe phái tham gia nhiều hơn vào tiến trình chính trị tại Libya. Ngày 27-10, Đại diện đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề Libya, bà Stephanie Williams bày tỏ hy vọng, với những tín hiệu tích cực và lạc quan, các cuộc đàm phán chính trị sắp tới sẽ ấn định ngày diễn ra các cuộc bầu cử ở đất nước Bắc Phi này.

Các cuộc đối thoại chính trị hiện do Liên hợp quốc làm trung gian sẽ mở đường cho Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya diễn ra ngày 9-11 tới tại thủ đô Tunis (Tunisia). Lối thoát cho các cuộc khủng hoảng ở Trung Ðông - Bắc Phi phần nào được mở ra, nhờ những nỗ lực tích cực của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trước mắt vẫn là những khó khăn, thách thức với các bên liên quan thực hiện cam kết và Liên hợp quốc. Vẫn còn nhiều việc phải làm trong sứ mệnh tìm kiếm hòa bình ở khu vực Trung Ðông - Bắc Phi vốn luôn là điểm nóng xung đột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước ngoặt cho nền hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.