Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hơn 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng trên toàn thế giới

Kim Phượng| 21/02/2021 06:08

(HNMO) - Theo thống kê, tính đến 6h ngày 21-2, toàn thế giới có 111.584.171 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó 2.470.749 người đã tử vong.

Một điểm tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại Los Angeles, Mỹ.

Hãng tin AFP tổng hợp nhiều nguồn tin cho biết, tính đến chiều 20-2 (theo giờ Việt Nam), đã có 201.042.149 liều vắc xin được tiêm chủng tại ít nhất 107 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), chỉ chiếm 10% dân số thế giới, lại chiếm tới 45% tổng số mũi tiêm. AFP nêu rõ, con số thống kê này không bao gồm số liệu mới nhất từ Trung Quốc và Nga, 2 nước ngừng công bố kết quả của các chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trong vài ngày gần đây.

Châu Âu

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu vẫn chưa lắng dịu khi số ca mắc mới vẫn cao. Nga là nước có số ca lây nhiễm mới nhiều nhất thế giới với 12.953 ca trong vòng 24 giờ qua. Đứng sau Nga, Ba Lan và Ukraine ghi nhận số ca lây nhiễm mới nhiều thứ hai và thứ ba trong khu vực châu Âu, lần lượt là 8.510 và 6.295 ca. Trong khi đó, một số nước khác như Romania, Bỉ, Áo, Hungary, Slovakia và Belarus ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày. Trước tình hình này, nhiều nước châu Âu tăng cường các biện pháp hạn chế dịch Covid-19.

Bộ Y tế Italia thông báo các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt hơn đối với 3 khu vực, nhưng không áp đặt với các thành phố lớn nhất đất nước, gồm Rome và Milan. Theo bộ trên, từ ngày 20-2, khu vực Campania, trong đó có thành phố Naples, cùng với Emilia Romagna và Molise sẽ được phân loại "màu cam", tức là vùng có nguy cơ lây nhiễm ở mức trung bình. Điều này đồng nghĩa với việc các quán bar và nhà hàng tại những khu vực trên sẽ phải đóng cửa. 

Cùng ngày, Đan Mạch đã thông báo đóng cửa một số cửa khẩu với Đức, đồng thời tăng cường an ninh tại những khu vực khác sau khi bùng phát một ổ dịch ở thị trấn Flensburg gần biên giới với Đan Mạch. Tổng cộng, 13 cửa khẩu sẽ được đóng cửa hoàn toàn, trong khi 9 cửa khẩu khác sẽ được tăng cường an ninh kể từ tuần tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski cho biết, nước này không loại trừ khả năng áp đặt các biện pháp siết chặt tại biên giới với Slovakia và Cộng hòa Séc do gia tăng số ca mắc mới. Ông Niedzielski nêu rõ, theo quy định mới, chỉ những người có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2 mới được phép nhập cảnh vào nước này và quy định mới sẽ có hiệu lực vào tuần tới. 

Estonia cũng đã yêu cầu đóng cửa tất cả trường học đối với học sinh từ 11 tuổi trở lên từ ngày 22-2 tới, sau khi tỷ lệ mắc bệnh tại nước này trở thành mức cao thứ hai ở Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 20-2, Nga đã cấp phép sử dụng loại vắc xin ngừa Covid-19 có tên CoviVac do Trung tâm Chumakov Centre phát triển và sản xuất. Đây là loại vắc xin thứ ba được Nga cấp phép sử dụng trong nước, sau hai loại vắc xin là Sputnik V của Viện Gamaleya và vắc xin của viện Vector.

Romania trở thành một trong số những quốc gia châu Âu đầu tiên đưa người vô gia cư vào diện ưu tiên được tiêm chủng, tương tự như người cao tuổi và người có bệnh lý nền. 

Châu Á - châu Đại Dương

Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực này với 8.054 ca, tiếp theo là Iran với 7.922 ca. Các nước có số ca mắc mới trong ngày vượt ngưỡng 2.000 ca gồm Malaysia, Pakistan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Philippines. Trong khi đó, Campuchia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba sau khi phát hiện 32 ca mắc tại thủ đô Phnom Penh, chủ yếu trong khu vực đảo Koh Pich và một khu chung cư gần sân vận động Olympic. Trước tình hình này, Bộ Giáo dục Campuchia đã ra thông báo về các biện pháp mới chống Covid-19 trong các trường học, trong đó có quy định tránh tập trung trên 20 học sinh.  

Cùng ngày, ông Airlangga Hartarto, Chủ tịch Ủy ban Ứng phó dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế quốc gia Indonesia cho biết, nước này đã gia hạn các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng nhỏ lẻ tại Java và Bali đến ngày 8-3 tới. Theo quan chức này, các biện pháp kiểm soát dịch đã phát huy hiệu quả, giúp giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm. 

Trong khi đó, New Zealand đã chính thức triển khai rộng rãi việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho lực lượng biên phòng và nhân viên kiểm dịch biên giới sau khi tiến hành tiêm chủng cho một nhóm nhỏ các nhân viên y tế. Chiến dịch tiêm chủng ở New Zealand dự kiến sẽ hoàn thành trong 1 năm. 

Châu Mỹ

Theo AP ngày 20-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tận dụng chuyến thăm tới nhà máy sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer ở bang Michigan để trấn an người dân rằng, chế phẩm này là an toàn và có vai trò then chốt trong việc đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này. Theo ông Biden, các công ty sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đều rất thận trọng vì công tác kiểm tra độ an toàn của vắc xin còn mất nhiều thời gian hơn việc sản xuất chúng. 

Tổng thống Joe Biden cho biết, nước Mỹ đang trên đà vượt mục tiêu mà ông đặt ra là tiêm chủng 100 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên ông nhậm chức kể từ ngày 20-1, với mức trung bình hiện tại là 1,7 triệu liều vắc xin được tiêm mỗi ngày. Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tính đến nay, Mỹ đã tiêm hơn 59 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hơn 200 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng trên toàn thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.