Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đau đáu khát vọng giữ gìn võ học cổ truyền

Minh An| 14/01/2019 06:55

(HNM) - Người Việt Nam có thể tự hào về tinh hoa võ học cổ truyền. Thay vì để mai một thì hãy làm sáng lên để võ cổ truyền Việt Nam có chỗ đứng tốt hơn trong làng võ thuật quốc tế...


Đưa võ thuật vào hoạt động của dòng họ

Cuối tháng 12-2018, dòng họ Phạm ở Việt Nam có hoạt động mới. Tại một hội trường ở Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), Liên câu lạc bộ Võ học họ Phạm toàn quốc đã ra đời. Các thành viên được tập huấn về Y võ dưỡng sinh rồi truyền dạy cho người trong dòng họ. Khi Liên câu lạc bộ Võ học họ Phạm toàn quốc hoạt động trơn tru, những người có trách nhiệm sẽ triển khai việc thành lập Câu lạc bộ Võ học họ Phạm tại các tỉnh, thành phố.

Võ sư Phạm Đình Phong truyền dạy võ cổ truyền.


Võ sư Phạm Đình Phong ấp ủ ý tưởng thành lập mô hình nói trên đã lâu với mong muốn thế hệ hiện nay và sau này kế tục xứng đáng truyền thống võ học oai hùng của dân tộc, của Đô hồ Đại vương Phạm Tu - Thượng thủy tổ họ Phạm Việt Nam.

Trong sách “Đô hồ Đại vương Phạm Tu”, tác giả Phạm Hồng Vũ kể: “Theo thần phả, Phạm Tu sinh ra vào năm 476, ở thôn Vực Mụ, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay. Từ trẻ, Phạm Tu đã phương phi, tuấn tú, học giỏi, chăm đọc binh thư, năng luyện võ nghệ, sức khỏe hơn người. Dân trong vùng thường gọi ông là Đô Tu với tấm lòng ngưỡng mộ… Năm 542, ông chiêu mộ trai tráng trong vùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Khi nhà nước Vạn Xuân ra đời, danh tướng Phạm Tu với cương vị là tổng chỉ huy tối cao quân đội, lo việc luyện tập quân sĩ, củng cố xây dựng hào lũy, phòng thủ những nơi hiểm yếu… Đến năm 545, khi nhà Lương đưa quân sang hòng khuất phục nhà nước Vạn Xuân, lão tướng Phạm Tu đã anh dũng hy sinh nơi sa trường trong lúc cùng quân sĩ bảo vệ thành Long Biên…”.

Theo võ sư Phạm Đình Phong, võ cổ truyền thường được duy trì trong các dòng họ. Trong khả năng của mình, võ sư Phạm Đình Phong muốn đưa phần sinh hoạt võ cổ truyền vào trong hoạt động dòng họ để có thêm nhiều người yêu thích và chung tay gìn giữ, phát triển loại hình di sản phi vật thể này.

Không muốn là người lữ hành đơn độc

Trong dòng chảy hội nhập quốc tế, khát vọng gìn giữ tinh hoa võ học dân tộc vẫn cháy bỏng ở nhiều người Việt Nam. Không chỉ võ sư Phạm Đình Phong, rất nhiều người khác đang miệt mài truyền bá võ cổ truyền. Như ở Hà Nội là võ sư Trần Mạnh Hà, người có hơn 20 năm góp phần xây dựng nhiều câu lạc bộ võ cổ truyền Nhất Nam, cùng học trò phát triển môn phái tại Lai Châu, Lạng Sơn, Hưng Yên, thậm chí là ở nước Pháp xa xôi… Hay võ sư Nguyễn Khắc Phấn, trưởng môn phái Thiên Môn Đạo cũng tích cực mở rộng quy mô, truyền bá tinh hoa của môn phái.

Về những đồng nghiệp chung tâm huyết, võ sư Phạm Đình Phong nói: “Tôi tin rằng có nhiều người cũng đau đáu phát triển nền võ thuật cổ truyền Việt Nam và mình không đơn độc trên con đường đã chọn. Quan trọng là ngày càng có nhiều người biết đến lịch sử võ học oai hùng của Việt Nam”.

Lo rằng nền võ học dân tộc sẽ biến dạng, mất mát nên vào đầu năm 2001, khi mới 49 tuổi, ông Phạm Đình Phong đã xin thôi chức Phó Giám đốc Sở Thể dục thể thao Bình Định để tập trung tâm lực cho việc quảng bá võ học. Ông bỏ tiền bạc đi khắp mọi miền đất nước tìm hiểu, tiếp tục công việc sưu tầm, biên soạn sách Lịch sử võ học Việt Nam. Cuốn sách ra đời cách đây 7 năm, là công trình có quy mô lớn đầu tiên về lịch sử võ học Việt Nam. Ở đó có cả những câu chuyện sưu tầm thành công và không thành công, dấu tích của các môn phái võ cổ truyền.

Như có lần, sau nhiều tháng đi tìm nơi gia đình đại lão võ sư Lê Sửu sinh sống, ông Phạm Đình Phong đã tới huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) với hy vọng có được tư liệu về võ cổ truyền thông qua một dòng họ có ông Tổ vốn là võ quan dưới thời vua Lê Lợi. Nhưng khi tới nơi thì đại lão võ sư Lê Sửu đã quy tiên; người cháu duy nhất thấy các tập tư liệu viết bằng chữ Hán, chữ Nôm trên vỏ cây, giấy hẩm đen, nhiều đoạn mục nát nên đem đốt theo người đã mất.

Một số lần khác võ sư Phạm Đình Phong cũng gặp chuyện tương tự, điều đó càng thôi thúc ông bỏ công sưu tầm tư liệu, hiện vật về võ cổ truyền từ các võ sư cao niên, các dòng tộc uyên bác võ nghệ. Nếu không, nguy cơ biến mất của khối tài liệu và các “pho sử sống” là khó tránh khỏi.

Đến nay, trong vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Phát triển và Quảng bá võ học Việt Nam, võ sư Phạm Đình Phong vẫn tiếp tục cùng các cộng sự thực hiện ước vọng nâng cao vị thế võ Việt. Ngày đầu năm 2019, võ sư Phạm Đình Phong say mê nói về dự định của mình và các cộng sự.

Ông bảo, công việc chủ yếu của Viện hiện nay là tập trung tâm huyết, trí tuệ của đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả, võ sư, người am hiểu võ học dân tộc cùng nhau nghiên cứu, sưu tầm, đúc kết, phục dựng các bài võ của tổ tiên; dựng phim, biên soạn sử liệu, sách để góp phần phục hưng, truyền dạy, quảng bá, phát triển và khẳng định giá trị võ học dân tộc…

Rồi là thực hiện Đề án “Nghiên cứu, bảo tồn, phục hưng võ cổ truyền dân tộc” để lưu lại cho con cháu mai sau; là Đề án “Nghiên cứu xây dựng lộ trình nâng tầm võ Việt Nam lên đẳng cấp võ quốc tế”. Ngoài ra, võ sư Phạm Đình Phong và cộng sự còn theo đuổi việc tìm kiếm, lập hồ sơ tôn vinh các làng võ, dòng họ, môn phái… Vào Nam, ra Bắc, đến miền Trung, hành trình của họ trải dài với mục tiêu làm được điều gì đó có ích cho võ học Việt Nam.

Gần nhất, ông Phạm Đình Phong tham gia buổi tôn vinh Dòng võ Đông A gia phái ở Hải Phòng. Trong câu chuyện của ông, thấy rõ tâm tư, sự say mê khi được biết thêm về một dòng võ với những đòn thế độc đáo hiếm có.

Nhiều kế hoạch, nhiều dự định là thế nhưng như võ sư Phạm Đình Phong thừa nhận, không thể hy vọng giải quyết ngay, giải quyết hết nếu chỉ có một số ít người tham gia thực hiện. Bởi thế, việc cần lúc này là nâng cao nhận thức về giá trị của võ cổ truyền, điều mà ông và các cộng sự có thể góp phần khiêm tốn thông qua các dự án, kế hoạch cụ thể, như đưa nội dung võ học cổ truyền vào sinh hoạt dòng họ. Muốn đi xa hơn thì cần có sự chung tay của các ngành, các cấp và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đau đáu khát vọng giữ gìn võ học cổ truyền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.