Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thể thao Hà Nội: Bắt nhịp kỳ đào tạo mới

Mai Hoa| 09/03/2019 07:20

(HNM) - Thể thao Hà Nội đã khẳng định vị thế trong làng thể thao cả nước với thành công vang dội ở ASIAD 18-2018 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII-2018. Tuy nhiên, ngành Thể thao Hà Nội không được phép chủ quan...

Vận động viên điền kinh Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo vừa được Tạp chí Fobes Việt Nam bình chọn là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam. Ảnh: Bùi Lượng


Định hướng đầu tư đúng

Để chuẩn bị lực lượng huấn luyện viên và vận động viên cho thể thao Hà Nội giai đoạn 2019-2021 và các năm tiếp theo, kế hoạch đào tạo lực lượng huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao của Hà Nội đang được xây dựng. Những người làm công tác quản lý và chuyên môn của thể thao Hà Nội đã và đang hình thành đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên chuyên nghiệp, chất lượng cao, có cơ cấu hợp lý, trên cơ sở duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống, chú trọng đầu tư các môn thể thao có khả năng đạt thành tích cao tại các đấu trường: Olympic, ASIAD và SEA Games.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, mục tiêu quan trọng đặt ra là phải phát triển thể thao Thủ đô theo chiều sâu chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, dàn trải, huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng chung tay xây dựng lực lượng huấn luyện viên, vận động viên của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc hội nhập với khu vực, quốc tế, để Hà Nội xứng tầm là một trong những trung tâm thể dục, thể thao lớn của khu vực, nơi tổ chức các sự kiện thể dục, thể thao quan trọng của quốc gia, khu vực và thế giới; nơi đào tạo, cung cấp lực lượng huấn luyện viên, vận động viên chất lượng cao cho các địa phương, cho các đội tuyển quốc gia Việt Nam và một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, năm 2019 được coi là năm khởi đầu một chu kỳ huấn luyện mới với nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng vận động viên cho SEA Games 30-2019 tại Philippines, Olympic 32-2020 tại Tokyo và đặc biệt là SEA Games 31-2021 tại Hà Nội. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, việc phân nhóm các môn trọng điểm cần tập trung đầu tư là điều vô cùng cần thiết. Phân tích kết quả thi đấu thời gian qua, có thể kể ra các môn thế mạnh hàng đầu của thể thao Thủ đô như điền kinh, đua thuyền, bắn súng, bắn cung, bóng bàn, cử tạ, vật, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, karate, cầu mây, wushu, cầu lông, bóng đá, judo... Hiện tại, dựa vào kết quả thi đấu, kết quả giám định khoa học và sức khỏe năm 2018, các bộ môn đã và đang tiến hành rà soát, phân loại các vận động viên theo nhiệm vụ được phân công trong giai đoạn mới để có kế hoạch đào tạo, đầu tư thích hợp.

Duy trì vị thế chủ lực

Muốn duy trì vị thế chủ lực của thể thao Thủ đô trong làng thể thao nước nhà, không thể không lưu ý việc bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo. Vì vậy, yêu cầu cải tạo và nâng cấp các công trình phục vụ công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội là vô cùng cần thiết, bảo đảm việc tập luyện, ăn, ở, học tập, vui chơi, giải trí cho các vận động viên có chu trình khép kín. Bên cạnh đó, cần đầu tư trang thiết bị, vật tư, máy móc và ứng dụng khoa học - công nghệ, y sinh học trong tuyển chọn và giám định khoa học đối với các vận động viên theo hướng hiện đại.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế thích hợp để thành lập Trung tâm Y học thể thao có nhiệm vụ điều trị, phục hồi chấn thương cho các huấn luyện viên, vận động viên, kiểm tra sức khỏe, giám định khoa học phục vụ công tác tuyển chọn vận động viên. Hơn nữa, cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài và bảo đảm quyền lợi, sức khỏe cho các huấn luyện viên, vận động viên. Trong xu thế phát triển chung của thể thao hiện đại, không thể không tính đến việc xây dựng hệ thống các test tuyển chọn chuyên biệt đối với các môn thể thao trọng điểm, chủ động áp dụng công nghệ mới vào công tác huấn luyện, điều trị chấn thương và hồi phục sức khỏe cho các vận động viên...

Trước mắt, trong năm 2019, thể thao Thủ đô cần hoàn thành việc xây dựng tiêu chí đánh giá phân loại các huấn luyện viên, vận động viên, làm cơ sở để phân nhóm với các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, từ đó có định hướng đầu tư phát triển phù hợp. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, để tập trung thực hiện các nhiệm vụ của năm 2019, trong đó có việc chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự SEA Games 30 tại Philippines, thể thao Thủ đô sẽ lựa chọn một số quốc gia có nền thể thao tiên tiến, phù hợp với đặc điểm từng môn thể thao để đưa các vận động viên đi tập huấn dài hạn, kết hợp với việc thuê chuyên gia giỏi cho các vận động viên có khả năng đạt thành tích cao. Hà Nội cũng sẽ tạo điều kiện cho các vận động viên tham dự các giải thi đấu thể thao lớn để rèn bản lĩnh, tâm lý, thi đấu tích điểm, vượt qua vòng loại, giành quyền tham dự Olympic Tokyo 2020.

Khẳng định "tiếp tục đoàn kết, phát huy bề dày truyền thống thành tích các thế hệ đã vun đắp nhiều năm qua", Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội Đào Quốc Thắng cho biết, trong năm 2019, thể thao Hà Nội quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ góp 30% số lượng vận động viên, cũng như 30% số huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 tại Philippines; đồng thời, chuẩn bị lực lượng để thi đấu thành công tại SEA Games 31-2021, khi Việt Nam là chủ nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thể thao Hà Nội: Bắt nhịp kỳ đào tạo mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.