Theo dõi Báo Hànộimới trên

SEA Games 30-2019: Để môn bơi hoàn thành chỉ tiêu...

Mai Hoa| 04/05/2019 07:15

(HNM) - Mục tiêu của môn bơi Việt Nam tại SEA Games 30-2019 là giành từ 11 đến 14 Huy chương vàng. Tuy nhiên, nếu không đầu tư mạnh mẽ cho những gương mặt chủ lực thì không dễ hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nguyễn Thị Ánh Viên gánh trọng trách giành 7-8 Huy chương vàng tại SEA Games 30-2019. Ảnh: Minh Hoàng


- Cùng với điền kinh, bơi nằm trong nhóm những môn thể thao Olympic cơ bản, có nhiều nội dung thi đấu nhất tại các kỳ Đại hội Thể thao quốc tế. Năm nay, một trong các đấu trường trọng điểm của thể thao Việt Nam là SEA Games 30 và với đà đầu tư những năm qua, việc môn bơi đặt mục tiêu giành từ 11 đến 14 Huy chương vàng là hoàn toàn hợp lý. Tất nhiên, sẽ có không ít khó khăn trong quá trình chuẩn bị, bao gồm vấn đề tập huấn, giám sát chương trình huấn luyện, thi đấu, nắm chắc tâm lý, phong độ, thể trạng của từng gương mặt vận động viên chủ lực...

- Theo ông, những gương mặt chủ lực ấy là ai?

- Gương mặt được tập trung hàng đầu vẫn là kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Riêng vận động viên này đã phải gánh vác trách nhiệm giành từ 7 đến 8 Huy chương vàng. Số còn lại, các nhà quản lý và chuyên môn kỳ vọng chủ yếu các gương mặt nam như Nguyễn Huy Hoàng ở nội dung bơi tự do cự ly 1.500m và 400m; Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn ở nội dung bơi 400m hỗn hợp... Bên cạnh đó, có một gương mặt nữ trẻ cũng được đặc biệt quan tâm, đó là Lê Thị Mỹ Thảo, với kỳ vọng giành Huy chương vàng nội dung 200m bơi bướm.

- Nhiệm vụ của Nguyễn Thị Ánh Viên liệu có quá nặng, nhất là sau kỳ ASIAD 18-2018 không mấy thành công?

- Sau ASIAD 18-2018, Nguyễn Thị Ánh Viên đã được đặc biệt quan tâm để từng bước khắc phục vấn đề tâm lý và có những điều chỉnh tốt hơn trong công tác huấn luyện. Có thể thấy, ở đấu trường châu lục, Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn còn giới hạn khoảng cách trình độ, nhưng ở khu vực Đông Nam Á, kình ngư này là gương mặt hàng đầu. Hiện tại, Nguyễn Thị Ánh Viên đang trong quá trình rèn luyện bài bản, chuyên sâu và tôi tin rằng, nếu duy trì tốt đà luyện tập, vận động viên này có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tại SEA Games 30 tới đây. Còn nhớ, sau ASIAD 18-2018, Nguyễn Thị Ánh Viên đã thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8-2018, giành 12 Huy chương vàng cho đoàn Quân đội. Nghĩa là ở trong nước, Nguyễn Thị Ánh Viên vẫn là một trong những gương mặt thuộc tốp đầu.

- Hiện môn bơi Việt Nam đang có những gương mặt trẻ rất giàu triển vọng. Theo ông, các vận động viên này cần được đầu tư như thế nào để có thể kế tục Nguyễn Thị Ánh Viên?

- Ngay trong năm 2019, ngoài tập trung cao cho Nguyễn Thị Ánh Viên, các nhóm vận động viên trẻ khác cũng được quan tâm. Chẳng hạn, Lê Thị Mỹ Thảo sẽ được bố trí tập huấn tại Nhật Bản từ tháng 6 đến tháng 7 tới đây. Còn Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn sẽ được bố trí tập huấn tại Trung Quốc. Đáng tiếc một chút, Nguyễn Huy Hoàng rất giỏi ở nội dung bơi 800m tự do nam - vốn đã được đưa vào chương trình thi đấu ở ASIAD 18-2018, nhưng tại SEA Games 30, nước chủ nhà Philippines lại bỏ nội dung này khỏi chương trình thi đấu. Nếu nội dung này được đưa vào chương trình, khả năng Nguyễn Huy Hoàng giành Huy chương vàng là rất cao.

Nhìn xa hơn, đến SEA Games 2021 mà Việt Nam là chủ nhà, tôi đánh giá nhóm vận động viên nam có triển vọng tương đối tốt. Đối với nữ, chúng ta chưa có người xứng tầm thời kỳ "hậu Ánh Viên". Hiện tại, các nhà quản lý và chuyên môn vẫn đang tích cực tìm kiếm nhân tố nữ mới để bổ sung vào dàn vận động viên kế cận.

- Cùng với nhiệm vụ ở SEA Games, việc giành suất chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020 cũng là mục tiêu được đặc biệt quan tâm của thể thao Việt Nam. Vậy, ông đánh giá thế nào về khả năng môn bơi của Việt Nam có đại diện góp mặt tại kỳ Olympic tới?


- Theo tôi, Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Thị Ánh Viên là 2 ứng viên sáng giá nhất, đủ khả năng giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Với Nguyễn Huy Hoàng, cơ hội tham dự 2 cự ly bơi sở trường 1.500m và 800m là trong tầm tay, còn Nguyễn Thị Ánh Viên khả năng cao nhất là giành suất tham dự ở nội dung bơi 400m hỗn hợp.

Muốn giành suất chính thức dự Thế vận hội, các vận động viên cần cố gắng để đạt và vượt chuẩn A Olympic, nghĩa là phải thi đấu nhiều giải để tích điểm. Hiện tại, các giải đấu như Giải bơi vô địch trẻ quốc gia tại Mỹ Đình (Hà Nội), Giải bơi vô địch quốc gia tại Đà Nẵng đều được đăng ký tính chuẩn tích điểm cho Olympic. Hơn nữa, vào cuối tháng 7-2019, các kình ngư hàng đầu của chúng ta sẽ được tham dự Giải bơi vô địch thế giới tại Hàn Quốc...

- Để đạt được thành tích tốt, điều cần thiết nhất lúc này là gì, thưa ông?


- Tôi mong công tác hỗ trợ thực phẩm dinh dưỡng phải được kịp thời. Với đặc thù môn bơi, có những giai đoạn, các vận động viên cần phải tập luyện cường độ lớn, nên rất cần phục hồi nhanh thể lực. Khi ấy, các kình ngư cần có thuốc bổ trợ đúng lúc. Trước đây, chúng ta vẫn có thuốc hỗ trợ cho vận động viên hồi phục, nhưng thường là rất muộn, vì vướng các thủ tục hành chính.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
SEA Games 30-2019: Để môn bơi hoàn thành chỉ tiêu...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.