Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để có huy chương, phải giải tỏa nỗi lo kinh tế của vận động viên

Mai Hoa| 19/06/2019 08:29

(HNM) -  Huấn luyện viên trưởng đội tuyển taekwondo quốc gia Việt Nam Kim Kil Tae khẳng định khát vọng muốn cùng các học trò chinh phục đấu trường Thế vận hội, nhưng cũng nhấn mạnh:


 - Thưa ông, qua quá trình dẫn dắt đội tuyển taekwondo quốc gia suốt 3 năm qua, ông có thể chia sẻ đôi điều đánh giá về cơ hội của taekwondo Việt Nam tại Olympic Tokyo năm 2020?


- Đội tuyển taekwondo quốc gia Việt Nam có những cá nhân rất giỏi, minh chứng là Trương Thị Kim Tuyền - người đã có 3 chiến thắng và chỉ dừng bước ở bán kết trước nhà vô địch thế giới Sim Jae Young (Hàn Quốc), giành Huy chương đồng ở nội dung đối kháng, hạng cân dưới 49kg nữ tại Giải Taekwondo Grand Prix Roma (Italia) diễn ra ngày 9 và 10-6-2019 vừa qua. Cũng ở giải đấu này, đội tuyển taekwondo Việt Nam còn giành Huy chương vàng đồng đội nội dung quyền sáng tạo, nhờ công của Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thị Lệ Kim, Nguyễn Thiên Phụng, Lê Thanh Trung, Hứa Văn Huy; Huy chương bạc quyền cá nhân nam của Nguyễn Đình Khôi. Tôi nghĩ, nếu được đầu tư xứng đáng, các em đều có triển vọng chinh phục các đấu trường quốc tế, kể cả đấu trường lớn nhất của thế giới.



- Môn taekwondo được Ủy ban Olympic quốc tế công nhận là môn thể thao trong hệ thống thi đấu chính thức của Olympic năm 2000 tại Australia. Ngay khi ấy, Việt Nam đã có 1 Huy chương bạc, nhờ công của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Nhưng từ đó đến nay, kỳ tích này chưa được lặp lại, liệu đội tuyển taekwondo Việt Nam có thể tái lập thành tích sau 20 năm chờ đợi?

- Chưa thể nói trước được điều gì, vì muốn có huy chương Olympic, trước tiên, chúng ta cần phải tập trung cho mục tiêu giành suất tham dự chính thức tại đấu trường thể thao lớn nhất thế giới. Giải đấu tại Roma (Italia) vừa qua chính là cơ hội để các võ sĩ tích điểm, tính chuẩn tham dự Olympic. Ngoài ra, từ nay đến khi Olympic Tokyo khai cuộc, chúng ta vẫn còn một số giải đấu để tiếp tục tích điểm cho mục tiêu này. Tôi kỳ vọng rất nhiều vào các học trò của mình, thầy trò chúng tôi đã và đang học tập tinh thần vượt khó, quyết chiến, quyết thắng của các chuyên gia Hàn Quốc tại Việt Nam, ví như huấn luyện viên Park Hang-seo trong bóng đá, huấn luyện viên Park Chung Gun trong môn bắn súng, để có thể lập nên kỳ tích của taekwondo Việt Nam tại Thế vận hội.

- Xét về tố chất vận động viên, nếu so sánh các vận động viên tài năng của Việt Nam với các vận động viên của Hàn Quốc ở môn taekwondo, ông có thể nói gì?


- Taekwondo là môn quốc võ của Hàn Quốc, nên đặt sự so sánh như vậy sẽ rất khó, bởi các vận động viên của Hàn Quốc được đào tạo căn bản ngay từ khi còn rất nhỏ, khác với cách đào tạo hiện nay của thể thao Việt Nam. Khi tôi đến với đội tuyển taekwondo Việt Nam, tôi phải đem những kiến thức căn bản nhất để đào tạo lại cho các gương mặt trẻ, và tấm Huy chương đồng nội dung đối kháng dưới 49kg ở Giải Taekwondo Grand Prix Roma (Italia) của Trương Thị Kim Tuyền vừa qua chính là minh chứng rằng, khi chúng ta nắm chắc kỹ thuật, kiến thức căn bản, chúng ta sẽcó được thành công.

- Yếu tố con người là vậy, còn xét về cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện, thi đấu, sinh hoạt trong hành trình chinh phục Olympic, khoảng cách giữa các võ sĩ Việt Nam với võ sĩ Hàn Quốc có quá xa không, thưa ông?

- Thực sự là có khoảng cách rất lớn về đầu tư, đãi ngộ cho mục tiêu huy chương giữa 2 nơi. Ở Hàn Quốc, những vận động viên đạt trình độ như Trương Thị Kim Tuyền, Hồ Thị Kim Ngân... chỉ cần thi đấu cho cấp câu lạc bộ đã có thể được nhận tối thiểu tiền hỗ trợ cơ bản từ 6.000 đến 7.000 USD/người. Với giải vô địch toàn quốc, mỗi lần giành huy chương vàng, vận động viên sẽ được nhận 20.000 USD. Trong khi đó, ở Việt Nam, các vận động viên còn gặp rất nhiều khó khăn trong tập luyện, sinh hoạt và thi đấu.

Việc mang lại thành tích là trách nhiệm của huấn luyện viên, vận động viên, nhưng rõ ràng, phải có sự đầu tư đặc biệt nếu muốn chinh phục Olympic, như người Việt Nam vẫn có câu "có bột mới gột nên hồ". Nói cách khác, muốn có huy chương Olympic, phải giải tỏa nỗi lo kinh tế của các em. Trong bối cảnh kinh phí ngân sách còn hạn chế, tôi vẫn nói với các trò, chúng ta phải cố gắng rất nhiều, vì phải có thành tích mới gây được sự chú ý, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa. Nhờ vậy, đội tuyển sẽ có được sự quan tâm đầu tư, đóng góp của các doanh nghiệp để tiếp tục tăng trưởng thành tích. Tôi rất mừng vì ngay sau chuyến du đấu thành công tại Giải Taekwondo Grand Prix Roma (Italia), taekwondo Việt Nam đã tiếp tục nhận được sự tài trợ của Tập đoàn CJ - Hàn Quốc, cũng như sự vào cuộc của Truyền hình Cáp Việt Nam trong hợp tác hỗ trợ truyền thông. Hiện tại, Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đều đặc biệt quan tâm đến đội tuyển, và trách nhiệm của chúng tôi là nỗ lực hết mình, không để những người đã tin tưởng, kỳ vọng vào chúng tôi phải thất vọng.

- Trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để có huy chương, phải giải tỏa nỗi lo kinh tế của vận động viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.