Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bóng chuyền nữ Việt Nam chuẩn bị SEA Games 30: Không để “cái khó... bó cái khôn”

Mai Hoa| 13/07/2019 07:51

(HNM) - Dù vấp phải nhiều khó khăn, nhưng các nhà quản lý và chuyên môn bóng chuyền Việt Nam luôn nỗ lực vượt khó. Việc đăng cai Giải Vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á năm 2019 ngay tại Hà Nội, phần nào cho thấy bóng chuyền Việt Nam quyết tâm tận dụng cơ hội thi đấu cọ xát, không để "cái khó... bó cái khôn" và thêm tự tin cho mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games 30-2019.

Các vận động viên đội tuyển bóng chuyền U23 quốc gia tập luyện tại Nhà thi đấu Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm - Hà Nội. Ảnh: Minh Thu

Khó khăn chồng chất

Theo Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Trí Trường, nhiệm vụ trọng tâm của bóng chuyền nữ Việt Nam năm 2019 là phấn đấu giành Huy chương bạc SEA Games 30-2019. Song, không dễ để hoàn thành nhiệm vụ này, vì đội tuyển bóng chuyền nữ đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là phải tập luyện trong các nhà thi đấu nóng bức không có điều hòa, thiếu thốn từ trang phục cơ bản như quần, áo, giày, tất, cho đến bóng tiêu chuẩn (bóng theo tiêu chuẩn của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á và thế giới)...

Khó càng thêm khó, khi đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia phải chấp nhận nộp phạt để không phải dự Giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 17 đến 25-8, một phần vì lịch thi đấu của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á liên tục thay đổi, khiến chúng ta bị động, một phần vì phải cân nhắc giữa bài toán về chi phí và sự hiệu quả.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Trần Đức Phấn cho biết, trong bối cảnh chung của thể thao Việt Nam còn nhiều khó khăn, các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, thì bóng chuyền không thể là ngoại lệ. Trong nhiều năm qua, các vận động viên khi được gọi lên đội tuyển quốc gia phải chấp nhận thiệt thòi. Cụ thể, lương đội tuyển thấp hơn khi ở câu lạc bộ; điều kiện ăn, ở, tập luyện ở các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cũng không bằng ở câu lạc bộ. Thế nhưng, không ai từ chối lên tuyển, bởi được gọi vào đội tuyển quốc gia, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc là vinh dự đối với bất kỳ vận động viên nào.

Tăng cường cọ xát

Mặc dù, đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia không thể tham dự Giải Vô địch bóng chuyền nữ châu Á, nhưng bù lại, các nữ tuyển thủ lại có cơ hội thi đấu cọ xát ngay tại Hà Nội - tham dự Giải Vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á năm 2019. Đây là một trong các giải đấu tầm cỡ châu lục do Tổng cục Thể dục thể thao, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp đăng cai. Sự kiện sẽ diễn ra tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm và Nhà thi đấu thể thao quận Tây Hồ từ ngày 13 đến 21-7, với sự tham dự của 13 đội tuyển nữ U23 hàng đầu châu Á.

Không chỉ mang lại cơ hội thi đấu, tích lũy kinh nghiệm quý giá cho đội tuyển bóng chuyền nữ U23 Việt Nam - cũng chính là lực lượng đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 30-2019, mà đây còn là dịp để người hâm mộ bóng chuyền Thủ đô được trực tiếp xem các trận đấu bóng chuyền đỉnh cao, giao lưu và gặp gỡ các ngôi sao bóng chuyền quốc tế.

Đánh giá cao sự vào cuộc của Hà Nội trong việc tổ chức giải đấu, ông Trần Đức Phấn cho biết, Hà Nội đã rất nỗ lực và chủ động nhận đăng cai giải đấu, bảo đảm tốt các điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á. Đặc biệt, đây là đợt tập dượt hữu ích cho những người làm thể thao Thủ đô trong hành trình chuẩn bị đăng cai SEA Games 31-2021.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, phân tích kỹ hơn về ý nghĩa chuyên môn, huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng chuyền U23 quốc gia Nguyễn Tuấn Kiệt cho rằng, giải đấu này thực sự là cơ hội quý trong bối cảnh chúng ta đang có lứa cầu thủ có nhiều ưu điểm về chiều cao và lực tấn công, song còn non kém kinh nghiệm. Hơn nữa, đội tuyển đang thiếu một vận động viên chuyền hai giỏi, giàu kinh nghiệm trận mạc, có khả năng dẫn dắt đồng đội. Vì vậy, đây là cơ hội cho đội tuyển khắc phục những nhược điểm này.

Theo điều lệ giải đấu, 13 đội được chia thành 4 bảng, đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm, chọn mỗi bảng 2 đội vào vòng trong, đấu chéo, loại trực tiếp. Nếu giành ngôi đầu bảng, nhiều khả năng chúng ta sẽ được thi đấu cùng các đối thủ mạnh, như: Thái Lan, Triều Tiên, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Kazakhstan... Tận dụng tốt cơ hội này, các nữ cầu thủ đội tuyển bóng chuyền Việt Nam chắc chắn sẽ thêm trưởng thành, tự tin trong hành trình chuẩn bị SEA Games 30-2019, sẽ diễn ra từ ngày 30-11 đến 10-12 tại Philippines.

Từ ngày 13 đến 21-7, người hâm mộ có thể xem Giải Vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á năm 2019, tại Nhà thi đấu thể thao quận Tây Hồ (mở cửa tự do) và Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Gia Lâm - nơi có đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu (100.000 đồng/3 trận/ngày đối với các trận vòng bảng, vòng 1/8 và tứ kết; 200.000 đồng/vòng bán kết vào ngày 20-7 và chung kết vào ngày 21-7). Lịch thi đấu U23 Việt Nam tại vòng bảng: Lần lượt gặp New Zealand vào 20h30 ngày 13-7 và Maldives vào 20h ngày 15-7.

Sau Giải Vô địch bóng chuyền nữ U23 châu Á năm 2019, trong hành trình chuẩn bị SEA Games 30-2019, bóng chuyền nữ Việt Nam sẽ tham dự Giải Bóng chuyền nữ quốc tế VTV Cup năm 2019 (từ ngày 3 đến 10-8, tại Quảng Nam) và Giải Bóng chuyền ASEAN Grand Prix (diễn ra trong tháng 9), tranh tài cùng các đội của Thái Lan, Indonesia, Philippines.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bóng chuyền nữ Việt Nam chuẩn bị SEA Games 30: Không để “cái khó... bó cái khôn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.