Theo dõi Báo Hànộimới trên

Các đội tuyển trẻ quốc gia: Đổi mới tập huấn, tăng tính hiệu quả

Mai Hoa| 27/07/2019 08:37

(HNM) - Thay vì tập huấn suốt từ ngày 1-1 đến 31-12 như thông lệ, năm nay Tổng cục Thể dục - Thể thao đã có nhiều đổi mới trong công tác tập huấn của các đội tuyển trẻ quốc gia, theo xu hướng tối ưu năng lực, tăng tính hiệu quả. Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này.

Hà Nội là một trong các địa phương làm tốt công tác đào tạo vận động viên trẻ. Ảnh: Tùng Lập

- Việc một số đội tuyển trẻ quốc gia không còn được tập trung từ ngày 15-6 khiến nhiều huấn luyện viên và nhà quản lý bộ môn lo lắng về kế hoạch bảo đảm lực lượng kế cận. Ông có thể chia sẻ đôi điều về việc này?

- Những môn Olympic trọng điểm, việc tập huấn tuyển trẻ quốc gia vẫn được Tổng cục Thể dục - Thể thao duy trì. Đối với một số môn thể thao khác, Tổng cục phải cân nhắc việc tập huấn tuyển trẻ quốc gia theo kiểu truyền thống, tập trung suốt từ ngày 1-1 đến ngày 31-12, thay vào đó là tập huấn khoảng 3-4 tháng, theo từng giai đoạn và nhiệm vụ cụ thể.

Với đặc thù lứa tuổi của các vận động viên trẻ, việc tập trung theo thời gian của năm học sẽ phù hợp hơn. Hơn nữa, trong dịp hè có rất nhiều giải trẻ vô địch quốc gia, các vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia được trả về địa phương để thi đấu dưới màu áo của các đơn vị chủ quản.

Để công tác tập huấn cho vận động viên trẻ mang lại hiệu quả cao, không gì hơn là phải thông qua chính các giải trẻ vô địch quốc gia để các nhà quản lý, chuyên môn rà soát lại thực lực, năng lực, tiềm năng của từng vận động viên và điều chỉnh sao cho sát thực, chính xác, đúng người, đúng việc.

Tất nhiên, việc duy trì nguồn lực lượng kế cận luôn rất cần thiết và quan trọng. Nếu có điều kiện, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẵn sàng đầu tư tập huấn dài hạn cho vận động viên các đội tuyển trẻ quốc gia. Song, việc rà soát, chọn lựa các nội dung trọng điểm, mũi nhọn, thế mạnh của thể thao Việt Nam để có sự đầu tư xứng đáng là cần thiết, nhất là trong điều kiện kinh phí có hạn và phải gánh rất nhiều nhiệm vụ trọng điểm như năm nay.

Chính vì vậy, Tổng cục Thể dục - Thể thao buộc phải cân nhắc và lựa chọn phương án tối ưu nhằm bảo đảm các mục tiêu về thể thao thành tích cao của Việt Nam ở đấu trường SEA Games, ASIAD và Olympic.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, về mặt chuyên môn, tốt nhất là nên để các địa phương đào tạo lực lượng trẻ. Theo ông, liệu điều này có đúng không?

- Trên thực tế, nhiều quốc gia đã giao cho các địa phương đào tạo lực lượng vận động trẻ và mô hình này đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, để làm tốt công việc đào tạo lực lượng trẻ, ở đó phải có đội ngũ huấn luyện viên giỏi, có đầy đủ trang thiết bị và bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí.

Thế nhưng ở nước ta, ngoại trừ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có khả năng thực hiện được việc này, hầu hết địa phương còn lại gặp khó khăn, buộc Tổng cục Thể dục - Thể thao phải hỗ trợ bằng cách gọi vận động viên giàu triển vọng lên tập trung đội tuyển trẻ quốc gia, rồi đưa về tập huấn tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia.

Tổng cục Thể dục - Thể thao rất mong các địa phương cùng phối hợp đào tạo thể thao đỉnh cao, nhất là đào tạo lực lượng trẻ. Nếu cứ có vận động viên nào giỏi lại rút khỏi địa phương, đưa lên đội tuyển, thì lứa còn lại biết cạnh tranh với ai để tiến bộ, nâng cao trình độ.

- Nghĩa là không có chuyện Tổng cục Thể dục - Thể thao bỏ mặc công tác đào tạo vận động viên trẻ, mà là chúng ta đang cùng một lúc kết hợp nhiều cách làm, thưa ông?

- Đúng vậy! Điều quan trọng nhất là phải tính toán đổi mới phương thức tập huấn tuyển trẻ quốc gia sao cho tránh được tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí. Sau mỗi chu kỳ, lãnh đạo các đội tuyển phải sàng lọc, đánh giá lại, dành ưu tiên đặc biệt cho những vận động viên đi thi đấu các giải châu Á và thế giới.

Chỉ những gương mặt thực sự xứng đáng, có tiềm năng phát triển trên đấu trường quốc tế mới được đầu tư ở cấp độ đội tuyển. Đội tuyển trẻ quốc gia không phải là nơi cho các vận động viên chỉ nhằm đích giành Huy chương vàng trong nước.  

Nhiệm vụ của ngành Thể dục thể thao trong năm nay rất nặng nề, buộc chúng tôi phải xác định trọng tâm từng giai đoạn để điều chỉnh linh hoạt.

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là nằm trong tốp đầu SEA Games và tích điểm giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020. Nghĩa là các vận động viên thuộc đội tuyển quốc gia phải được dồn kinh phí cho việc tập huấn và thi đấu, đương nhiên tuyển trẻ phải chịu thiệt thòi.

Tổng cục Thể dục - Thể thao chỉ có thể lo cho một số vận động viên tuyển trẻ của những môn trọng điểm, còn lại phải có sự kết hợp, chung tay của các địa phương trong việc hỗ trợ đào tạo trẻ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã triệu tập 1.654 lượt vận động viên, 313 huấn luyện viên, 31 chuyên gia tập huấn tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; phối hợp với các địa phương, liên đoàn, hiệp hội thể thao tổ chức 83 giải thể thao quốc gia và 9 giải thể thao quốc tế; phối hợp với thành phố Hà Nội, các địa phương liên quan xây dựng kế hoạch tổng thể chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các đội tuyển trẻ quốc gia: Đổi mới tập huấn, tăng tính hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.