Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Bộ tứ" cầu mây Hà Nội

Mai Hoa| 17/08/2019 07:30

(HNM) - Không phải là môn được đầu tư trọng điểm thuộc nhóm 1, nhưng cầu mây Việt Nam vẫn đều đặn ghi danh trong bảng vàng thành tích của đấu trường thế giới, châu lục và khu vực nhiều năm qua. Trong đó, không thể không kể đến sự đóng góp của "bộ tứ" tài năng cầu mây Hà Nội: Trần Thị Thu Hoài, Dương Thị Xuyên, Phạm Thị Hằng, Giáp Thị Hiển.

Một trận thi đấu của đội tuyển cầu mây quốc gia Việt Nam. Ảnh: Hằng Hiền

Mối duyên Bắc Giang - Hà Nội

Được Hà Nội tuyển chọn và đào tạo từ năm mới 13-15 tuổi, đến nay ít ai biết "bộ tứ" Hoài, Xuyên, Hằng, Hiển đều xuất thân từ tỉnh Bắc Giang. Cơ duyên đến với cầu mây Hà Nội của họ đều rất tình cờ. Với Hoài (Yên Dũng - Bắc Giang), năm 2008, cô bé 15 tuổi khi ấy đi đá cầu cho trường, đạt giải Nhất, được cử đi thi cấp huyện, cấp tỉnh, được huấn luyện viên Hà Tùng Lập nhận vào đội Hà Nội và gắn bó đến bây giờ. Còn Xuyên sinh năm 1994 tại Hiệp Hòa - Bắc Giang, được tuyển sau khi huấn luyện viên chứng kiến những bước chạy của em tại một giải đấu cấp trường.

Với Hằng, cô gái sinh năm 1995 tại Yên Thế - Bắc Giang vốn thích chơi thể thao từ nhỏ, từng giành nhiều giải thưởng cấp trường, huyện, tỉnh trước khi được chọn về đội tuyển Hà Nội. Hằng nhớ lại: “Các thầy cho em thực hành tâng cầu. Ngay lập tức em đã thấy mình rất hợp với quả cầu mây, rồi em được chọn”. Trong khi đó, Hiển, cô gái sinh năm 1996, lớn lên ở Lạng Giang - Bắc Giang đến tận năm 2009 còn chưa biết đến cầu mây, nhưng lại may mắn được tuyển chọn nhờ có tố chất thể thao đặc biệt.

Không phải ngẫu nhiên Hoài, Xuyên, Hằng, Hiển có cơ duyên gắn bó với cầu mây Hà Nội. Với ưu thế về đào tạo thể thao chuyên nghiệp, có đội ngũ chuyên môn tốt và thực hiện chủ trương thể thao Thủ đô sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh, thành phố lân cận phát triển đỉnh cao, các huấn luyện viên, chuyên gia của Hà Nội nhiều năm qua đã phối hợp với các tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Bắc Giang để tuyển sinh tại cơ sở. Điều này giúp các huấn luyện viên phát hiện được những cá nhân có tố chất để đưa về tập, sinh hoạt theo cơ chế đào tạo chuyên nghiệp ở Hà Nội. Và những hạt nhân năng khiếu ấy đã từng bước trưởng thành, được vào đội tuyển quốc gia, thi đấu vì màu cờ sắc áo Tổ quốc.

Tiếp bước đàn chị, những năm qua, "bộ tứ" tài năng Hoài, Xuyên, Hằng, Hiển tiếp tục ghi danh cầu mây Việt Nam trên bảng vàng thành tích quốc tế. Có thể kể ra 2 Huy chương vàng thế giới (năm 2013, 2016), 2 Huy chương đồng ASIAD (2014, 2018) của Hoài; 1 Huy chương vàng thế giới năm 2016, 1 Huy chương bạc, 1 Huy chương đồng ASIAD năm 2018 của Xuyên, Hiển; hay 1 Huy chương vàng thế giới năm 2016, 1 Huy chương đồng ASIAD năm 2018 của Hằng… Cùng với đó là rất nhiều huy chương ở các kỳ SEA Games.

Tiếp nối hành trình chinh phục

Trong làng thể thao cả nước, cầu mây Hà Nội luôn là đơn vị dẫn đầu và vị trí Nhất toàn đoàn tại các giải quốc gia từ đầu năm đến nay đã chứng minh điều đó. Chính vì thế, các vận động viên cầu mây của Hà Nội thường xuyên được làm nòng cốt của đội tuyển quốc gia. Năm 2019, mục đích chủ yếu của cầu mây Việt Nam nói chung và cầu mây Hà Nội nói riêng là thi đấu thành công tại SEA Games 30, diễn ra từ ngày 30-11 đến 10-12 tại Philippines. Song, thể thao đỉnh cao luôn được đầu tư dài hạn theo tính chu kỳ và các nhà quản lý, chuyên môn phải nhìn xa hơn mục tiêu ngắn hạn của từng năm.

Trưởng bộ môn Cầu mây Hà Nội Hà Tùng Lập, người từng có nhiều năm dẫn dắt đội tuyển cầu mây quốc gia cho biết: "Với lứa hiện tại, chúng tôi đầu tư cho các em không chỉ để thi đấu ở kỳ SEA Games 30-2019, mà trọng điểm là tấm Huy chương vàng SEA Games 31-2021 tại Việt Nam và xa hơn nữa là ASIAD 19-2022, khi các em vào độ chín nhất".

Ông Hà Tùng Lập chia sẻ: "SEA Games 30-2019, Philippines chỉ tổ chức thi đấu 2 nội dung cầu mây và theo điều lệ, ngoại trừ chủ nhà, các nước còn lại chỉ được cử lực lượng tham dự một trong 2 nội dung đó, nên rất khó giành Huy chương vàng, nhất là khi Thái Lan - quốc gia có hệ thống thi đấu chuyên nghiệp và đội tuyển cầu mây thuộc vào hàng mạnh nhất thế giới không hề giấu giếm tham vọng. Nhưng SEA Games 31-2021 và ASIAD 19-2022 đều dự kiến có tối thiểu 4 nội dung thi đấu và với thực lực hiện tại, chúng ta có thể tranh chấp 2 Huy chương vàng".

Hơn 10 năm gắn bó với cầu mây Hà Nội, Hoài, Xuyên, Hằng, Hiển đã không ít lần phải đối diện với khó khăn vì chấn thương, song các em không lùi bước, không bỏ cuộc và đã gặt hái được thành công đáng kể. Hiện tại, ngoại trừ Hằng tạm nghỉ thi đấu trong ngắn hạn vì việc gia đình, cả Hoài, Xuyên, Hiển đều không giấu khát vọng tiếp nối hành trình chinh phục các giải đấu.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Xuyên chia sẻ: "Hướng tới SEA Games 30-2019 và SEA Games 31-2021, ngoài giờ tập chính, em vẫn tự đi tập thêm vào các buổi sáng sớm, cố gắng hoàn thiện những động tác kỹ thuật khó để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Theo tập chuyên nghiệp, em coi đây vừa là công việc, vừa là đam mê, phải cố gắng hết mình mới có thể gặt hái được thành quả".

Hoài thì nhấn mạnh: "Em đang cố gắng tập luyện để có thể đổi màu huy chương tại SEA Games 30-2019 và thể hiện hết mình vì màu cờ sắc áo khi thi đấu trên sân nhà ở SEA Games 31-2021. Đặc biệt, ASIAD 19-2022 có lẽ là kỳ ASIAD cuối trong sự nghiệp của em, nên em sẽ cố gắng để có được sự thành công, trọn vẹn nhất". Còn Hiển khẳng định: "Phương châm sống của em là hãy cố gắng và nỗ lực hết mình, kể cả khi kết quả không được như mong muốn, cũng không có điều gì phải hối tiếc".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Bộ tứ" cầu mây Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.