Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có thêm sân chơi thể thao

Minh An| 04/12/2020 11:21

(HNMCT) - Tháng 11 vừa qua, các giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia diễn ra dồn dập, khiến vận động viên hào hứng, giới chuyên môn có cơ sở đánh giá chính xác thực lực của vận động viên sau thời gian dài thiếu “sân chơi” do dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, tìm cách tổ chức thêm nhiều giải đấu là việc quan trọng, trong đó, làm tốt công tác xã hội hóa là giải pháp cần được ưu tiên.

Các xạ thủ cần nhiều sân chơi để nâng cao trình độ.

Giải cơn khát thi đấu

Giải vô địch điền kinh toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội vào giữa tháng 11 vừa qua là giải đấu đầu tiên của vận động viên (VĐV) Trần Văn Đảng (Hà Nội) trong hệ thống thi đấu quốc gia - tính từ đầu năm 2020. Cũng như nhiều VĐV khác, dù muốn thì Trần Văn Đảng cũng không có giải để tham dự bởi dịch Covid-19 khiến các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế của điền kinh Việt Nam và điền kinh Hà Nội không thể diễn ra. Cũng vì vậy, các VĐV như Trần Văn Đảng chỉ còn trông vào giải trong nước. Việc Giải vô địch điền kinh toàn quốc năm 2020 được tổ chức là dịp để Trần Văn Đảng khẳng định tài năng bằng việc vượt qua nhà vô địch SEA Games 30 Dương Văn Thái ở cả nội dung 800m và 1.500m, qua đó giành 2 Huy chương vàng cho đoàn Hà Nội.

Tại Giải vô địch đấu kiếm quốc gia năm 2020 mới được tổ chức tại Hà Nội, kiếm thủ Vũ Thành An (Hà Nội) kể rằng mình đã mong chờ được dự giải vô địch quốc gia từ rất lâu. Dịch Covid-19 khiến anh và đồng đội phải tập chay, chỉ thi đấu nội bộ. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới năng lực chuyên môn của VĐV. Bởi thế, Giải vô địch đấu kiếm quốc gia 2020 có ý nghĩa quan trọng, giúp anh và các VĐV khác lấy lại cảm giác thi đấu.

Những chia sẻ của kiếm thủ Vũ Thành An đại diện cho suy nghĩ của nhiều VĐV, huấn luyện viên, nhà quản lý thể thao bởi bên lề các giải đấu quốc gia ở môn bắn súng, bắn cung, thể dục dụng cụ... diễn ra tại Hà Nội trong tháng 11 qua, nhiều người đã nhắc tới cảm giác phấn khởi khi các VĐV có cơ hội được thi đấu. Như huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông (đội tuyển Điền kinh Hà Nội) của Trần Văn Đảng cho rằng, Giải vô địch điền kinh toàn quốc năm 2020 giúp anh nắm bắt khá chính xác tình trạng của học trò để đưa ra giáo án hợp lý. Trưởng bộ môn Bắn súng Hà Nội Nguyễn Tấn Nam thì nhận định, bởi dịch Covid-19 đóng sập cơ hội thi đấu quốc tế của nhiều VĐV nên các giải đấu trong nước càng trở nên quan trọng.

Thế nhưng, thực tế cho thấy hiện chưa có nhiều giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia được tổ chức. Thông thường, mỗi bộ môn tại Tổng cục Thể dục thể thao chỉ tổ chức khoảng 4 giải đấu một năm - tính cả giải trẻ và giải vô địch quốc gia, đương nhiên là chưa thể thỏa mãn nhu cầu thi đấu của VĐV.

Ông Dương Đức Thủy, quản lý bộ môn Điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) cho rằng, kinh phí phân bổ về bộ môn chỉ đủ để tổ chức khoảng 4 giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia. Muốn hơn cũng khó bởi nguồn kinh phí từ ngân sách có hạn.

Kỳ vọng vai trò của các liên đoàn thể thao

Rõ ràng, khi không thể trông chờ quá nhiều vào nguồn kinh phí nhà nước để có thêm giải đấu thì các bộ môn sẽ phải trông vào khâu xã hội hóa. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nhiều Liên đoàn thể thao như Bóng đá, Quần vợt... đã làm tốt công tác xã hội hóa để tổ chức nhiều giải đấu, giúp các VĐV có thêm cơ hội cọ xát, thu nhập. Câu chuyện ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam là một ví dụ hay khi gần đây, dù nhiều đội tuyển, câu lạc bộ ở các môn thể thao khác phải tập chay nhưng “bên bắn súng” vẫn tổ chức được các giải nội bộ với cách thức, quy củ không kém so với giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia. Theo huấn luyện viên Phạm Cao Sơn (Hải Phòng), chính các giải đấu nội bộ đã giúp các xạ thủ không mất cảm giác thi đấu, giúp ích rất nhiều cho VĐV. 

Hiện nay, các liên đoàn thể thao đang tìm cách tổ chức thêm nhiều giải đấu để giúp VĐV nhanh chóng phát triển về chuyên môn. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã tính tới phương án thành lập một công ty truyền thông, tổ chức thi đấu nhằm huy động nguồn lực tổ chức giải, hỗ trợ VĐV. Đó là việc khả thi bởi phong trào tập chạy tại Việt Nam đang tăng lên từng ngày, nguồn thu từ các giải đấu phong trào do liên đoàn tổ chức hoàn toàn có thể được dùng để tổ chức giải cho VĐV thành tích cao.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung, Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng cho hay, liên đoàn sẽ cố gắng tạo nhiều sân chơi hơn cho các xạ thủ Việt Nam. Đây là việc không khó nếu liên đoàn và các nhà tài trợ tìm được tiếng nói chung...

Nhìn chung, công tác xã hội hóa hoạt động thể thao ngày càng thể hiện tầm quan trọng. Phần việc này có thành công hay không phụ thuộc vào khả năng, ý tưởng và trách nhiệm hành động của từng Liên đoàn Thể thao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có thêm sân chơi thể thao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.