Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng độ tin cậy, giảm “lỗ hổng” sai phạm

Thống Nhất| 06/12/2018 07:00

(HNM) - Thay vì giao cho các sở giáo dục và đào tạo chủ trì tổ chức toàn bộ các khâu của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, từ năm 2019, khâu chấm các bài thi trắc nghiệm sẽ được giao cho trường đại học chủ trì...

Thí sinh đến dự thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) trong kỳ thi năm 2018.



Ổn định phương thức, tăng cường giám sát

Với mục đích duy trì ổn định kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, không làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học của giáo viên, học sinh; đồng thời, khắc phục những nguy cơ dẫn đến các hành vi gian lận, ngày 4-12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố những điều chỉnh trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, kỳ thi sẽ vẫn giữ ổn định về phương thức, với mục tiêu vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định: Những điều chỉnh của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 chỉ thực hiện ở phần kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục những hạn chế, bảo đảm cho kỳ thi nghiêm túc, thực chất, tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến việc học tập của học sinh.

Từ những sai phạm ở một số địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật ở tất cả các khâu trong kỳ thi năm 2019. Với công tác coi thi, thay vì quy định cán bộ, giảng viên đại học, cao đẳng của địa phương nào phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức coi thi tại địa phương đó như năm trước, năm 2019, việc điều động cán bộ, giảng viên đại học, cao đẳng coi thi tại các địa phương sẽ được đổi chéo theo nguyên tắc: Trường đại học, cao đẳng không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Xác định những "lỗ hổng" có nguy cơ gây ra những hành vi gian lận ở khâu chấm thi, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, toàn bộ khâu chấm của các bài thi trắc nghiệm khách quan sẽ được giao cho các trường đại học chủ trì (năm 2018 là do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì chấm). Việc tăng cường giám sát thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa sự can thiệp để gian lận cũng sẽ được triển khai ở nhiều khâu của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ông Mai Văn Trinh thông tin: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mã hóa dữ liệu trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm để cán bộ xử lý bài thi không thể nhận biết được thông tin của thí sinh với nội dung của phiếu trả lời trắc nghiệm. Bên cạnh đó, một yêu cầu bắt buộc khác đối với tất cả các điểm thi trong năm 2019 là có camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi trong suốt 24h/ngày.

Bớt mối lo chất lượng “đầu vào”

Những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 nhận được phản hồi tích cực từ nhiều phía, với kỳ vọng học sinh sẽ có một “sân chơi” công bằng, khách quan, giảm áp lực, tăng độ tin cậy về chất lượng giáo dục.

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, những điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết và tích cực, nhằm tăng độ tin cậy về kết quả thi, làm căn cứ thực chất để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh. Qua đó, mối lo về chất lượng “đầu vào” đại học, cao đẳng sẽ giảm, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc học này. Ngoài ra, trong quá trình học tập, các nhà trường cũng có nhiều giải pháp để sàng lọc sinh viên, những người không có năng lực thực sự chắc chắn sẽ bị đào thải.

Ghi nhận chung của phóng viên tại các trường THPT tại Hà Nội hôm qua 5-12, hầu hết học sinh, giáo viên đều cảm thấy nhẹ nhõm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo “khoanh vùng” nội dung đề thi THPT quốc gia năm 2019. Em Nguyễn Hải An (Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình) hào hứng: “Việc chỉ rõ phạm vi đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, chúng em hoàn toàn yên tâm. Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố đề thi tham khảo để chúng em có định hướng trong học tập, ôn luyện”.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) hiện có gần 600 học sinh lớp 12. Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều Nguyễn Trung Kiên cho biết, những thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo không ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy, học của trường. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đưa hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận vào các bài kiểm tra định kỳ để học sinh tập dượt. Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường đang tổ chức cho học sinh lớp 12 làm bài kiểm tra học kỳ I theo hình thức tập trung toàn khối với các bài thi, hình thức thi của các bài thi tương tự như kỳ thi THPT quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng độ tin cậy, giảm “lỗ hổng” sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.