Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Sức mạnh, ý chí con người" vào đề thi ngữ văn, thí sinh hứng thú

Nhóm PV| 25/06/2019 09:52

(HNMO) - Sau 120 phút hoàn thành bài thi ngữ văn trong sáng nay (25-6), nhiều thí sinh có chung cảm nhận đề không quá khó. Đặc biệt câu hỏi nghị luận về sức mạnh, ý chí con người khiến các em hứng thú vì mang tính thời sự, dễ viết.

Những thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm).


Nhận thấy đề thi có cấu trúc tương đương với đề minh họa, thí sinh Trịnh Ngọc Anh, dự thi tại điểm thi Trường THCS Phan Chu Trinh (quận Ba Đình) cho biết đã thở phào nhẹ nhõm ngay khi xem đề thi.


Với tinh thần làm bài khá thoải mái, nữ thí sinh này cho biết, em mất khoảng 30 phút đầu tiên để hoàn thành phần đọc hiểu, chiếm 3 điểm trong đề thi. Ba câu hỏi đầu tiên của phần thi này được Ngọc Anh cùng nhiều thí sinh khác có cùng quan điểm cho rằng, đều là những kiến thức cơ bản, quen thuộc. Tuy nhiên, đoạn trích có ý nghĩa rất rộng, đòi hỏi thí sinh phải viết tập trung, tránh lan man.

“Câu 4 phần đọc hiểu yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về hành trình theo đuổi khát vọng của con người và câu 1 phần làm văn yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ về sức mạnh, ý chí của con người trong cuộc sống từ nội dung đoạn trích bài thơ "Trước biển" của nhà thơ Vũ Quần Phương đòi hỏi thí sinh phải huy động đến những suy nghĩ, trải nghiệm của bản thân. Em đã tập trung viết ngắn gọn, xúc tích, cô đọng, đủ ý chứ không quá dàn trải. Phần nghị luận này mang tính thời sự, lại là câu hỏi mở nên dễ viết”, Ngọc Anh chia sẻ thêm.


Nhiều thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi ngữ văn.


Thí sinh Hoàng Thu Phương (điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) đánh giá, đề thi “dễ thở”, không quá khó, hay có những câu mang tính đánh đố thí sinh. Nữ thí sinh này cho biết, các nội dung trong đề đều đã được giáo viên cho ôn tập kỹ trên lớp.

“Em quá may mắn vì mấy ngày gần đây đều mở sách ra đọc kỹ về tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, Phương tự tin dự đoán: “Nếu giáo viên chấm lỏng tay, có thể em đạt 8 điểm”.


Không được “trúng tủ” như Thu Phương, thí sinh Nguyễn Tiến Anh (điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng, quận Ba Đình) thoáng chút buồn do không làm trọn vẹn bài thi. Tuy nhiên, trước môn thi toán chiều nay, Tiến Anh tự tin hơn, bởi em đăng ký nguyện vọng học Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Trong 5 bài thi, Tiến Anh hy vọng sẽ giành điểm cao ở môn toán. Các môn xã hội, Tiến Anh ít dành thời gian ôn tập hơn, nên kiến thức có phần không chắc chắn.


Niềm vui sau môn thi đầu tiên.


Chiếm một nửa số điểm còn lại trong đề thi, câu 2 phần làm văn nêu đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận về hình tượng dòng sông Hương, từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, khiến nhiều thí sinh cảm thấy khó khăn bởi tính phân hóa của đề thi bắt đầu thể hiện rõ rệt.

Đặc biệt, với những thí sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học tự nhiên thì câu hỏi trên là một thách thức không nhỏ. Thí sinh Nguyễn Thị Ánh Tuyết (phường Lĩnh Nam) chia sẻ, do đăng ký ba môn của tổ hợp A01 (toán, lý, tiếng Anh) để lấy điểm xét tuyển đại học nên em không quá chú trọng nhiều vào môn ngữ văn. Với môn này, mục tiêu của Tuyết là đạt điểm trung bình. Vì vậy, với em đề trên là khá khó. Mặc dù làm hết bài nhưng dự báo kết quả sẽ không cao, chỉ khoảng 5-6 điểm. Tuyết cũng nhận xét, trong phòng thi của em, các thí sinh làm bài nghiêm túc và không trường hợp nào bị kỷ luật vì vi phạm quy chế.

Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Hà, bị thương ở chân, dự thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức, được giúp đỡ trở về nhà sau môn thi ngữ văn. Ảnh: Quang Thái


Thí sinh Lê Nguyễn Đức Duy (học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình) thì nhận xét, đề thi không lặp lại theo khuôn mẫu cũ nhưng cũng không mang yếu tố quá bất ngờ. Tuy nhiên, phần tự luận chiếm 7 điểm, đòi hỏi thí sinh phải tư duy, nêu được cảm nghĩ của bản thân. “Tác phẩm 'Ai đã đặt tên cho dòng sông?' dưới dạng bút ký, là một công trình nghiên cứu khoa học nên để đọc và hiểu được thấu đáo cũng không phải dễ”, Duy nhận xét.

Sau môn thi ngữ văn, từ 14h30 chiều nay, các thí sinh trong cả nước bước vào làm bài thi môn toán với hình thức trắc nghiệm trong thời gian 90 phút. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Sức mạnh, ý chí con người" vào đề thi ngữ văn, thí sinh hứng thú

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.