Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí sinh chưa trúng tuyển đại học: Chủ động trước nhiều cơ hội

Thống Nhất| 22/08/2019 06:49

(HNM) - Ngày 19-8, sau khi hoàn thành việc cập nhật thông tin về số lượng thí sinh đã xác nhận nhập học đại học năm 2019 vào cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, do chưa tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1, nhiều trường đã thông báo tuyển sinh đợt 2. Cùng với việc này, học sinh cân nhắc kỹ, chủ động tìm hiểu cơ hội học nghề phù hợp, với nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện nay.

Thí sinh cần cân nhắc nguyện vọng học tập nếu chưa trúng tuyển đại học ở đợt 1. Ảnh: Minh Đức

Hàng nghìn chỉ tiêu bổ sung

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm năm 2019 của 367 cơ sở đào tạo trên cả nước là gần 490.000 sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Ở đợt tuyển sinh đại học đầu tiên, cả nước có hơn 60% số cơ sở đào tạo tuyển sinh đạt từ 70% trở lên so với chỉ tiêu. Tính đến chiều 19-8-2019, nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước đã công bố tuyển sinh trình độ đào tạo đại học đợt 2 năm 2019, với tổng chỉ tiêu lên đến hàng nghìn sinh viên.

Với cơ hội này, thí sinh Lê Tuấn Anh, Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) cùng nhiều thí sinh chưa trúng tuyển ở đợt 1 có chung băn khoăn: "Chúng em có thể tìm thông tin cụ thể của các trường có tuyển sinh bổ sung ở đâu để bảo đảm chính xác, tránh bỏ lỡ cơ hội học đại học?".

Trả lời về việc này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Phó Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin: Tương tự đợt tuyển sinh đầu tiên, ở đợt tuyển sinh bổ sung, các nhà trường đều công khai cụ thể trên trang thông tin điện tử của đơn vị về chỉ tiêu tuyển sinh của từng ngành, ngưỡng điểm nhận hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ... Theo đó, ở  đợt tuyển sinh bổ sung năm nay, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển 150 chỉ tiêu, chia đều cho 5 ngành đào tạo của trường. Những thí sinh có tổng điểm 3 môn thi của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 theo tổ hợp xét tuyển, cộng với điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 16 điểm trở lên có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Đặc biệt, nhiều trường tuyển bổ sung lên đến hàng nghìn chỉ tiêu. Điển hình như Trường Đại học Điện lực 1.450 chỉ tiêu; Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội 1.120 chỉ tiêu; Trường Đại học Mỏ - Địa chất 1.030 chỉ tiêu... Trong khi đó, nếu yêu thích ngành Sư phạm mà chưa trúng tuyển, thí sinh tham khảo thông tin của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, với tổng chỉ tiêu đợt 2 là 130 sinh viên, mức điểm nhận hồ sơ thấp nhất là 24 điểm. Trong trường hợp yêu thích ngành Y, dược, thí sinh có thể cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào một số trường như: Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định…

Cân nhắc để có lựa chọn tốt nhất

Tư vấn xét tuyển tại Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải. Ảnh: Thái Hiền

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Theo kế hoạch, đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 28-8-2019, song các trường được tự chủ về thời gian kết thúc. Vì vậy, khi tham gia xét tuyển bổ sung, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin về trường, ngành mà mình dự kiến đăng ký để nắm rõ quy định về thời gian nộp hồ sơ, tránh để tuột mất cơ hội học tập. Ngoài ra, các em cần lưu ý về phương thức nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tùy điều kiện cụ thể, nhà trường có thể yêu cầu thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh, hoặc nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến, hoặc có thể nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện.

Một quy định khác mà thí sinh cần lưu ý trong quá trình đăng ký xét tuyển bổ sung là mức điểm các trường công bố thời điểm này mới là ngưỡng tối thiểu nhận hồ sơ, không phải điểm chuẩn vào trường, ngành. Thí sinh vẫn được quyền đăng ký nhiều nguyện vọng, song cần theo dõi thông tin tuyển sinh và chỉ nộp phiếu báo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia khi đã chắc chắn nguyện vọng học. Bởi, mỗi thí sinh chỉ có một phiếu này, nếu đã nộp thì không được rút ra để xác nhận nhập học ở nơi khác.

Cùng với cơ hội học đại học trong đợt 2 tuyển sinh bổ sung, trong thời gian này nhiều học sinh cũng đang cân nhắc để chọn cho mình hướng đi phù hợp. Thí sinh Nguyễn Quang Huy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Việt Hưng (quận Long Biên) chia sẻ: "Em muốn tìm một trường học nghề để sớm có một công việc ổn định. Tuy nhiên, để quyết định học ngành nghề nào mà sau này có nhiều cơ hội việc làm thì em còn phải xem xét và tham khảo thêm ý kiến gia đình, bạn bè".

Chia sẻ thêm về việc này, Tiến sĩ Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, năm nay có một số thí sinh thi đại học đạt từ 23 điểm trở lên cũng đã đăng ký học tại trường. Cam kết của trường là giới thiệu việc làm cho 100% số sinh viên tốt nghiệp; riêng với những ngành đào tạo chất lượng cao, nhà trường cam kết có việc làm tại Hà Nội và một số khu vực lân cận cho 100% số sinh viên, với mức lương khởi điểm từ 7 triệu đồng trở lên. Đây là một lợi thế của việc học nghề mà thí sinh có thể cân nhắc.

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng thông tin: Chính phủ đã có nhiều chính sách dành cho hướng nghiệp, phân luồng để tăng quy mô tuyển sinh cao đẳng, trung cấp cùng cơ hội việc làm cho sinh viên. Đơn cử, năm 2018, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay chiếm 80-85%; nhiều trường nghề đạt 100%... Ngoài phương thức dùng kết quả thi, nhiều trường còn tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ, thí sinh chỉ cần bảo đảm điều kiện tốt nghiệp trung học phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí sinh chưa trúng tuyển đại học: Chủ động trước nhiều cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.