Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người dân được hưởng lợi nhiều hơn

Minh Ngọc| 08/01/2014 06:28

(HNM) -

- Thưa ông, theo nội dung Quy hoạch, nhà cổ, di tích lịch sử và các công trình kiến trúc cổ được coi là linh hồn của Đường Lâm. Điều đó được thể hiện như thế nào?

- Trên tinh thần giữ nguyên cấu trúc làng cổ, di tích đã xếp hạng và các công trình kiến trúc cổ sẽ được bảo tồn nghiêm ngặt, còn nhà cổ sẽ được bảo tồn có chọn lọc, tôn trọng sự phát triển. Cụ thể, việc tu bổ, tôn tạo di tích đình Mông Phụ, Đoài Giáp, chùa Mía, đền thờ Thám hoa Giang Văn Minh, đền Phùng Hưng, Ngô Quyền… phải tuân thủ các quy định của Luật Di sản văn hóa; các công trình kiến trúc cổ (điếm, gò quán, lăng mộ, các giếng làng…) cũng sẽ được quan tâm tu bổ, tôn tạo. Nhà ở thôn Mông Phụ (khu vực bảo vệ 1) sẽ được phân thành bốn loại. Loại 1 gồm những ngôi nhà có giá trị hoàn chỉnh, nguyên vẹn mô hình nhà ở của người nông dân Đồng bằng Bắc bộ xưa sẽ được bảo tồn, tôn tạo toàn bộ các hạng mục, cảnh quan không gian, phục hồi các tiện nghi gia đình và các vật dụng sinh hoạt truyền thống. Nhóm nhà này là hạt nhân trong các điểm tham quan cho khách du lịch. Loại 2 là nhà cổ nhưng không còn hoàn chỉnh, sẽ được bảo tồn nhà chính theo nguyên gốc, giữ nguyên trạng các hạng mục phụ trợ. Loại 3 là những nhà xây mới 2-3 tầng, ảnh hưởng tới cảnh quan chung của khu vực bảo tồn, tùy từng vị trí mà áp dụng giải pháp tháo dỡ tầng 2 hoặc cải tạo lại mái. Loại 4 gồm những ngôi nhà không có công trình cổ, muốn xây dựng, cải tạo phải xin phép để được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn việc xây dựng.

Cổng làng cổ Đường Lâm mà bao thế hệ đã gìn giữ đến hôm nay.



Nhà xây mới ở thôn Mông Phụ gồm hai sàn (1 tầng chính và 1 tầng lửng), mái dốc, chiều cao tối đa là 7,5m, bên ngoài nhìn vào chỉ thấy một tầng. Nhà ở tại các thôn khác cũng được phân loại tương tự như nhà trong vùng bảo vệ, trong đó nhà loại 1 và 2 được bảo tồn như ở vùng 1, loại nhà thuộc nhóm 3 và 4 được xây không quá 3 tầng (2 tầng chính và 1 tầng lửng)… nhưng phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Những ngôi nhà cải tạo hoặc xây mới phải theo mẫu thống nhất, phù hợp với không gian, cảnh quan làng cổ.

- Vậy, theo ông người dân sẽ được hưởng lợi những gì?

- Quy hoạch được triển khai, người dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều. Các gia đình đủ điều kiện sẽ được cấp đất giãn dân tại thôn Phụ Khang, góp phần giải quyết sự bức xúc về chỗ ở. Người dân biết được ngôi nhà của mình sẽ được xây dựng, cải tạo như thế nào, thủ tục cấp phép xây dựng cũng sẽ đơn giản hơn. Cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình xây dựng thiết kế, hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo nhà cổ...

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao sản phẩm du lịch ở Đường Lâm sẽ được quan tâm hơn nữa, nhằm từng bước biến sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch để người dân không có nhà cổ, chỉ làm nông nghiệp nhưng vẫn có thể thu lợi từ việc khai thác di tích, du lịch. Trạm y tế, trụ sở ủy ban, trường học… cũng sẽ được đầu tư xây dựng theo lộ trình.

- Như ông vừa nói thì người dân Đường Lâm sẽ có cuộc sống tốt ngay tại di tích, những mâu thuẫn giữa mục tiêu bảo tồn và nhu cầu được sống trong không gian hiện đại của người dân sẽ từng bước được hóa giải?

- Tôi tin là như vậy. 78% số dân Đường Lâm đang làm nông nghiệp, có những sản phẩm đặc trưng như gà Mía, tương, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh gai… Khi có những chính sách hỗ trợ cụ thể để đưa sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch, chắc chắn người dân có thể nâng cao thu nhập từ những công việc thường nhật. Tổ chức JICA (Nhật Bản) đang hỗ trợ người dân sản xuất, bán sản phẩm, hướng dẫn người dân kinh doanh dịch vụ ăn uống và học cách đón tiếp khách. Song song với việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ du lịch, các cơ quan chức năng từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm này. Thông qua Hội Cựu chiến binh, năm 2014, thị xã Sơn Tây dành 1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất, làm du lịch. BQL di tích làng cổ Đường Lâm sẽ tham mưu cho các cơ quan chức năng dành 60% kinh phí thu từ việc bán vé tham quan để người dân phát triển kinh tế, xã hội. Nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, thị xã đã mời đơn vị tư vấn là Viện Bảo tồn di tích xây dựng dự án thiết kế nhà ở. Tại những điểm đón tiếp khách, thị xã sẽ ưu tiên để người dân Đường Lâm làm việc, không lấy người ngoài vào.

Theo quy hoạch được phê duyệt cùng với những chính sách liên quan, tôi tin chắc người dân Đường Lâm sẽ có điều kiện cải thiện điều kiện sống, góp sức khai thác, phát huy giá trị của di tích. Để làm được điều này, người dân Đường Lâm cần nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, học cách làm du lịch.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân được hưởng lợi nhiều hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.