Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đỏ mặt xem ảnh..."sen thì"

Hoàng Quyên (thực hiện)| 02/06/2016 10:22

(HNMO) – Mùa sen đang vào vụ, nhiều đầm sen của Hà Nội biến thành nhưng studio bất đắc dĩ. Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng đã có cuộc trao đổi với HNMO về trào lưu giới trẻ thích khoe thân trong những bộ ảnh chụp với thiên nhiên, môi trường.

Vào mùa sen, rất nhiều thiếu nữ mượn đầm sen để chụp những bức hình gợi cảm, khoe đường cong cơ thể (ảnh internet)


* Là người giảng dạy bộ môn Mỹ học trong các trường Đại học, ông nghĩ gì về trào lưu thích khoe thân của giới trẻ hiện nay?

- Cá nhân tôi cho rằng việc khoe vẻ đẹp cơ thể không phải là xấu nhưng khoe thế nào để đẹp lại là vấn đề. Đây cũng là điều đã gây tranh cãi rất nhiều trong giới mỹ thuật, nhiếp ảnh. Ranh giới giữa khoe vẻ đẹp cơ thể ở góc độ mỹ học với việc dung tục mong manh lắm. Cũng đường cong cơ thể ấy nhưng được thể hiện ở những bố cục, ảnh sáng và ý tưởng của những người duy mỹ, có “tâm” có nghề và trình độ của nhiếp ảnh thì sẽ rất đẹp. Còn nếu không nó sẽ là phản cảm.

* Rất nhiều nghệ sĩ và cả giới trẻ hiện nay hay lấy lý do bảo vệ môi trường, hoặc mượn thiên nhiên để biện hộ cho những bức ảnh lõa thể. Mùa sen đang đến gần chắc chắn sẽ có nhiều bức ảnh phản cảm của không ít thiếu nữ làm méo mó vẻ đẹp thuần khiết của hoa sen. Ông lý giải thế nào về tâm lý này?

- Chụp ảnh khoe thân để gây chú ý là điều mà nhiều bạn trẻ thích làm, đôi khi vì mục đích cá nhân rõ rệt là được mọi người biết đến dù là tai tiếng. Một lý do nữa, có thể những người chụp ảnh nghĩ đơn giản rằng cứ hớ hênh, khoe da thịt là nghệ thuật, là đẹp. Thực tế, chúng ta có nhiều nhiếp ảnh gia có nghề và nổi tiếng như nghệ sĩ Thái Phiên nhưng cũng có không ít thợ ảnh. Một thợ ảnh chỉ bấm máy một cách trần tục thì người phụ nữ hiện lên trong bức ảnh cũng sẽ bị trần tục hóa. Tôi nghĩ, nhiều người cũng muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp của cơ thể trong một không gian đẹp nhưng họ lại không chọn được nghệ sĩ chụp ảnh đích thực mà chủ là các thợ ảnh. Thế nên, vẻ đẹp của người phụ nữ sẽ bị làm cho méo mó một cách trần trụi, dung tục và phản cảm.


Các đầm sen biến thành "bãi chiến trường" bởi sự chen lấn của người chụp và các thợ ảnh. Nhiều người không ngại lội xuống ao, cởi bỏ xiêm y để chụp ảnh gợi cảm. Nhiều bức ảnh phản cảm, làm xấu đi vẻ đẹp thuần khiết của sen (ảnh minh họa)


*Ông có nghĩ chính sự cởi mở và suy nghĩ “thoáng” về việc khoe cơ thể của các thiếu nữ thời hiện đại là điều kiện để cho những tay máy “vườn”, thợ chụp ảnh có đất để hoạt động. Điều này phần nào khiến cho những nhiếp ảnh gia thực thụ bị tai tiếng lây?

- Tôi vẫn rất phản đối việc nhiều đầm sen của Hà Nội hiện nay không kiểm soát được việc chụp ảnh. Có những thời điểm người đến đông cứng, đôi khi là chen nhau để có được bức ảnh. Không phủ nhận là trong thời đại hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy ảnh không khó, ai cũng có thể cầm máy chụp ảnh, nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng là nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ, cần phải có những quy định rõ ràng về hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp với những tay máy nghiệp dư. Không thể cứ đổ đồng rồi người sẽ ảnh hưởng danh tiếng đến những nhiếp ảnh gia thực thụ.

Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng


* Thông tư mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (có hiệu lực vào ngày 15/5/2016) có mục quy định: “Những người đẹp đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ không được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông”, với một người duy mỹ, ông nói gì về quy định mới này?

- Tôi cho rằng, quy định mới này hơi thái quá. Không nhất thiết phải “quay lưng” hoàn toàn với ảnh khỏa thân. Tôi vẫn cho rằng, cơ thể của người phụ nữ là tuyệt tác của thiên nhiên. Từ xưa đến nay, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế giới tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ. Việc cấm những người đẹp không chụp ảnh, ghi hình ảnh không có trang phục tôi e là vi phạm quyền cá nhân. Chụp khỏa thân không xấu, chỉ xấu khi người chụp ảnh không có cái “tâm” và không có kỹ năng, trình độ của nhiếp ảnh.

* Cám ơn tiến sĩ về cuộc trao đổi!


Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, nguyên là giảng viên trường Đại học KHXH&NV – Đai học Quốc gia Hà Nội, từng tham gia giảng dạy bộ môn Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hóa doanh nghiệp và Quản lý xã hội về Văn hóa văn nghệ tại hơn 10 trường Đại học của Việt Nam.

Ông từng đi thuyết trình 12 chuyên đề về kỹ năng sống với hơn 1.400 cuộc cho gần 700 đơn vị khắp cả nước.

Năm nay 69 tuổi, TS Thế Hùng thực hiện chương trình “Từ thiện trí tuệ” trong 10 năm, tặng miễn phí 1000 cuộc thuyết trình cho các trường học, cơ quan. Chương trình “Từ thiện trí tuệ” được TS Thế Hùng giới thiệu vào ngày 1/6/2016
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đỏ mặt xem ảnh..."sen thì"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.