Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục di sản: Cần một cách tiếp cận mới

Hoàng Lân| 16/05/2017 21:58

(HNMO) - Ngày 16-5, tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc tử Giám tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề liên quan tới vấn đề giáo dục di sản.

Nhiều nhà trường tổ chức cho học sinh đến các di tích để tham quan, tìm hiểu về di sản nhưng cách học này vẫn chưa thật hiệu quả vì nhiều nguyên nhân. (ảnh minh họa)


Đến, xem, nghe… rồi thôi

Buổi tọa đàm có ý nghĩa thiết thực bởi từ lâu, việc giáo dục cho giới trẻ thông qua các thiết chế văn hóa tiêu biểu, nhất là hệ thống di tích, bảo tàng, là phương pháp được các chuyên gia văn hóa, giáo dục đánh giá cao. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hiệu quả giáo dục theo phương pháp này chưa đạt yêu cầu. Những chuyến thăm bảo tàng, tham quan di tích của học sinh gần với ý nghĩa vui chơi hơn là học, rất khó để lại trong giới trẻ bài học thực tế thật sự sâu sắc về văn hóa, lịch sử đủ để bổ sung tích cực cho khối kiến thức mà các em thu được qua sách vở hoặc lĩnh hội qua bài học trên giảng đường.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nói trên. Đầu tiên, đó là phía di tích, bảo tàng chưa có những nội dung dành riêng cho đối tượng tham quan là học sinh nói riêng cũng như giới trẻ nói chung. Theo ông Nguyễn Thành Nam, thành viên nhóm “Cánh buồm”, người có kinh nghiệm về tính tương tác trong giáo dục di sản, khi học sinh đến bảo tàng hoặc di tích nào đó, cơ hội tương tác là không nhiều. “Hàng trăm học sinh đến một di tích và được nghe một bản thuyết minh chung dành cho khách tham quan. Tính tương tác hạn chế và vì thế mà các em, đặc biệt là học sinh tiểu học chán, không còn tha thiết quay trở lại, ông Nguyễn Thành Nam nói.

Ý kiến của ông Nguyễn Thành Nam cùng trùng với nhận định của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm. Tuy nhiên, sự hạn chế không chỉ do phía các thiết chế văn hóa chưa có giải pháp cụ thể nhằm hướng tới đối tượng “khách hàng” chuyên biệt là học sinh, mà còn do phía nhà trường và bản thân học sinh chưa ý thức rõ về bài học ngoại khóa có từ những chuyến tham quan di tích, bảo tàng. Nói cách khác là chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Văn hóa và Giáo dục. Bà Phạm Mai Thủy (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) cho rằng, hoạt động giới thiệu thuyết minh tại di tích, bảo tàng phần nhiều được thực hiện “theo lối mòn”, thiếu sự kết hợp giữa chuyên gia giáo dục và chuyên gia văn hóa nên không tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với học sinh.

Rõ ràng, đối với học sinh, sinh viên, để tạo được hiệu quả cần thiết từ những chuyến tham quan di sản thì sự phối hợp của các ngành liên quan là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khi nói về hiệu quả giáo dục, điều cần có nhất là sự chủ động từ phía ngành giáo dục, mà cụ thể là từ phía các nhà trường khi tổ chức cho học sinh tham quan bảo tàng hoặc tìm hiểu di sản nào đó. Ông Đinh Thanh (Công ty du lịch Tùng Lâm) dẫn ví dụ ở Khu di tích Yên Tử để nói về điều này: “Để thu hút sự tham gia của học sinh, có những năm, vào mùa hè, chúng tôi miễn phí cáp treo cho học sinh sinh viên nhưng rất ít người đến. Có những khi Thiền viện Trúc lâm Yên Tử nhận chiêu đãi bữa trưa cho học sinh Uông Bí nhưng ít ai mặn mà hưởng ứng”.

Những điều được dẫn ở trên tuy cụ thể nhưng không xa rời thực tế giáo dục di sản nói chung. Hiện nay, không chỉ học sinh phổ thông, ngay cả trẻ mẫu giáo cũng có cơ hội được học ngoại khóa thường xuyên, trong đó có cả những chuyến tham quan di sản. Sự “nở rộ” các chuyến tham quan thể hiện quan điểm tích cực về giáo dục là chủ động bổ sung kiến thức từ thực tế thay vì…”chuyên tâm học chay” như trước đây nhiều năm, nhưng vẫn chưa đem lại hiệu quả cần có do phương pháp tiếp cận còn nhiều hạn chế. Thực tế, học sinh không thường xuyên nhận được yêu cầu thực hiện “bản thu hoạch” sau các chuyến tham quan, hoặc có được yêu cầu thì việc thực hiện không được làm đến nơi đến chốn. Không chịu sức ép nhất định, bởi thế, những chuyến tham quan mang ý nghĩa chơi nhiều hơn là học, nên “số thu” hạn chế là tất yếu.

Tăng cường phối hợp, xác định rõ mục đích

Bức tranh tổng thể còn hạn chế không có nghĩa công tác giáo dục di sản không có bước tiến trong thời gian qua. Thực tế cho thấy là gần đây, một số điểm đến quen thuộc của học sinh, sinh viên như Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Khu di tích Hỏa Lò và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã và đang tiến tới việc thực hiện những chương trình giáo dục di sản dành riêng cho giới trẻ, thậm chí là hướng tới từng đối tượng học sinh.

Chẳng hạn, vào cuối năm ngoái, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) thí điểm thực hiện đề án xây dựng khung chương trình giáo dục di sản văn hóa cho học sinh. Đề án này hướng tới mục tiêu cụ thể là phát huy khả năng sáng tạo của học sinh, tạo cơ hội tương tác nhằm nâng cao hiểu biết và hình thành tình yêu di sản cũng như ý thức giữ gìn, phát huy giá trị di sản.

Nói một cách khác, đó là một đề án nhắm tới tình yêu di sản bền vững, tự giác dựa trên sự hiểu biết cần thiết. Sự hiểu biết đó được hình thành thông qua nhiều chủ đề bổ ích và phù hợp lứa tuổi như “Khám phá kiến trúc Khuê Văn Các”, “Mãnh hổ hạ sơn”, “Lớp học xưa”... Với những chủ đề này, các em có thể khám phá vẻ đẹp kiến trúc, văn hóa, lịch sử thông qua hoạt động gây hứng thú như vẽ và sưu tầm tranh, nặn tượng, sáng tác vè…Nội dung hoạt động do phía di tích xây dựng nhưng có tính tới nhu cầu cụ thể của các nhà trường.

Đề án kể trên là bước tiếp theo của nhà quản lý di sản văn hóa sau khi Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện đề án “Liên kết với nhà trường phát triển giáo dục di sản ở bảo tàng, di tích và các điểm văn hóa – lịch sử ở Hà Nội” cách đây 7 năm và liên bộ Giáo dục – Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch” ban hành nội dung hướng dẫn về việc sử dụng di sản văn hóa trong giảng dạy tại các nhà trường (năm 2013).

Tuy vậy, theo ý kiến của các đại biểu dự tọa đàm, những hoạt động mang tính phối hợp trong công tác giáo dục di sản vẫn mang tính đơn lẻ, chưa phải là phương pháp chung. Khó khăn nằm ở hai phía: Các ban quản lý di tích hoặc bảo tàng khó huy động kinh phí để xây dựng chương trình dành riêng cho từng đối tượng học sinh; các nhà trường không thể dành quá nhiều thời gian ngoài khung chương trình đã ấn định để thường xuyên tổ chức chương trình học tập ngoại khóa. Phát biểu tại tọa đàm, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội cho rằng, việc thiếu thời gian cũng là nguyên nhân khiến cho các nhà trường không thể chuẩn bị kỹ lưỡng cho các “tiết học” ở bảo tàng hay di tích.

Buổi tọa đàm cho thấy hạn chế của công tác giáo dục di sản hiện nay cũng như gợi mở giải pháp cho vấn đề này. Ý kiến chung cho thấy chúng ta cần có cách tiếp cận khác, chủ động hơn, rõ tính phối hợp hơn giữa ngành giáo dục và văn hóa nhằm mang lại hiệu quả lớn hơn cho công tác này.

Điều cốt yếu là học sinh phải học được điều gì đó cụ thể, thiết thực, có ích cho sự bồi dưỡng kiến thức từ những chuyến tham quan. Thông qua sự hiểu biết, tình yêu di sản và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ hình thành và được nhân lên qua thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục di sản: Cần một cách tiếp cận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.