Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người quảng bá văn hóa Việt bằng rối nước mini

Ngân Vũ| 15/02/2018 22:12

(HNM) - Trong làng múa rối ở Hà Nội, có lẽ cho đến thời điểm này, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm là người đầu tiên và thành công nhất khi mang rối nước về nhà biểu diễn.


Thành công lớn từ những việc nhỏ


Sự nổi tiếng của nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm được cả ngõ chợ Khâm Thiên biết. Thế nên, khách mới đến chơi lần đầu có thể hỏi đường một chị bán rau là được chỉ dẫn chu đáo. Ngạc nhiên là ngôi nhà khuất sâu là vậy, ngõ lại nhỏ nhưng khá đông khách nước ngoài đến xem Phan Thanh Liêm biểu diễn rối nước trong cái sân khấu chỉ vỏn vẹn 5m2 đặt tại tầng 4 của căn nhà.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm sinh ra trong gia đình có 7 đời làm nghề múa rối nước. Ông nội của anh - nghệ nhân Phan Văn Huyên, từng là bậc thầy về nghệ thuật điêu khắc, tạo hình rối nước truyền thống. Cha anh - nghệ nhân Phan Văn Ngải, là người đã góp công đào tạo nghệ thuật của rối nước truyền thống cho nhiều thế hệ diễn viên của Nhà hát Múa rối nước Trung ương và của các địa phương. Ông cũng góp công nghiên cứu tạo tác ra nhiều trò rối nước và thiết kế thành công mô hình sân khấu múa rối nước di động. Nhà thủy đình di động do ông thiết kế nay vẫn được các nhà hát múa rối nước từ Trung ương đến các địa phương sử dụng. Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng đã trưng bày Chú Tễu - một con trò rối nước do ông tạo tác...

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm tự hào chia sẻ đam mê rối nước được nuôi dưỡng từ truyền thống gia đình: “Cũng vì được theo chân cha đi biểu diễn khắp nơi nên tôi nhận thấy sự bất lợi khi di chuyển của sân khấu rối nước truyền thống. Tôi trăn trở rất nhiều với câu hỏi: Tại sao lại không thể có sân khấu rối nước nhỏ gọn hơn nhưng vẫn đầy đủ các đặc trưng của rối nước để người nghệ sĩ dễ dàng di chuyển, biểu diễn?”.

Sau nhiều thử nghiệm, năm 2000 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ, mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ đầu tiên do Phan Thanh Liêm tạo dựng ra đời. Nhưng đây mới là bước thử nghiệm với bể nước làm sân khấu biểu diễn có kích thước 80cm x 50cm và những con rối cũng được tạo tác cực nhỏ. Sau bước thử nghiệm này, năm 2001, cũng tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Vân Hồ, Phan Thanh Liêm tiếp tục làm sân khấu múa rối nước thu nhỏ nhưng kích cỡ lớn hơn. Mô hình này được anh duy trì đến nay với sức chứa 50 khán giả.

Với đặc trưng là sân khấu nhỏ, gọn nhẹ, tiện lợi nên Phan Thanh Liêm có thể mang sân khấu múa rối nước đi biểu diễn khắp nơi. Nếu như những nhà hát múa rối bình thường phải cần ít nhất 5 tấn đạo cụ và hơn 10 diễn viên để trình diễn thì Phan Thanh Liêm chỉ cần một mình ngẫu hứng cùng các con rối với trọng lượng đạo cụ khoảng 100kg.

Anh chia sẻ thêm rằng, để tạo được màu nước đặc trưng anh đã hòa vào bể rối chút phù sa sông Hồng, bởi theo anh không thể tìm được màu nào giống màu đặc trưng của đồng ruộng Việt Nam hơn thế. Dù đi biểu diễn ở đâu, tại nhà hay mang rối nước ra nước ngoài, trong hành lý của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm không thể thiếu phù sa sông Hồng, một “đạo cụ” không thể thay thế.

Lan tỏa văn hóa truyền thống Việt Nam


Tình yêu rối nước được Phan Thanh Liêm truyền cho cả gia đình. Anh nói rằng, cả nhà 4 người “co cụm” sinh hoạt trong căn phòng chưa đầy 10m2, mọi không gian đều nhường chỗ cho rối. Anh tạo hình, chế tác rối ngay tại nhà để khách du lịch có thể trải nghiệm quy trình sáng tạo rối nước Việt Nam. Anh tâm sự, những người đến với sân khấu rối nước của anh thường là những khán giả thân thuộc, những vị khách nước ngoài thích khám phá tường tận nghệ thuật rối nước Việt Nam, từ cách làm con rối, cách điều khiển cho đến được trải nghiệm cách sinh hoạt, làm nghệ thuật của một nghệ sĩ múa rối thực thụ. 

Có thời gian, Phan Thanh Liêm còn nảy ra ý định làm dịch vụ du lịch trọn gói tại nhà, tức là khách đến khám phá rối nước không chỉ xem, thực hành múa rối mà còn được thưởng thức một vài món ăn truyền thống Việt do gia đình anh thực hiện. Về sau, do cách thức phục vụ này hơi “phiền” bởi diện tích nhà cửa chật hẹp nên anh phải tạm dừng.

Hiện tại, Phan Thanh Liêm là thành viên của Trung tâm Bảo tồn, Nghiên cứu và Phát huy văn hóa dân tộc. Trong những năm qua, anh đã đưa nghệ thuật múa rối nước phục vụ công chúng khán giả tại nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt là đưa rối nước đến biểu diễn tại các trường học. Anh cũng là nghệ sĩ biểu diễn rối nước độc lập thực hiện nhiều chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Từ năm 2003 đến nay, Phan Thanh Liêm đã đem sân khấu rối nước thu nhỏ “xuất ngoại” nhiều nơi như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Italia, Canada, Đức, Ba Lan, Anh... Trong năm 2017, Phan Thanh Liêm có chuyến lưu diễn tại Mỹ theo lời mời của World Wood Day Foundation và tại Hàn Quốc biểu diễn nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao 2 nước Việt - Hàn.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm cho biết đến nay, anh vẫn nỗ lực tìm tòi, sáng tạo những trò rối mới. Bên cạnh những tích trò truyền thống như Chú Tễu, Thiên nga, Vinh quy bái tổ..., anh còn sáng tạo thêm những trò rối nước với đề tài hiện đại, như về văn hóa giao thông, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường sống...

“Đó là những sáng tạo tìm tòi mang tính thể nghiệm, có những cái được và chưa được. Tôi sẽ tiếp tục những thử nghiệm này vì đó là cách để rối nước có sức sống mới trong đời sống hiện đại, tiếp tục đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức nghệ thuật múa rối nước của công chúng khán giả trong nước và đưa múa rối nước cổ truyền của Việt Nam vươn xa tới các châu lục”, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm tự hào cho biết.

Cuối năm 2017, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm mở thêm địa chỉ biểu diễn rối nước mini tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Theo chia sẻ của anh, cơ sở mới được mở ra nhằm liên kết các hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nếu thành công thì cơ sở này góp thêm cho Hà Nội một địa chỉ văn hóa, du lịch giúp du khách dễ dàng khám phá nghệ thuật rối nước, một trong những đặc trưng văn hóa của Việt Nam.

Hơn 20 năm “mò mẫm” độc lập làm rối nước, Phan Thanh Liêm đã tạo được thương hiệu riêng với cách làm không lẫn với ai. Anh nói rằng, điều hạnh phúc và tâm đắc nhất đối với anh không chỉ là theo đuổi được nghề truyền thống gia đình mà còn góp phần lan tỏa vẻ đẹp của rối nước, đưa văn hóa truyền thống của Việt Nam gần gũi với bạn bè thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người quảng bá văn hóa Việt bằng rối nước mini

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.