Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trường Sa - nguồn cảm hứng nhiếp ảnh vô tận

An Nhi| 05/08/2018 07:37

(HNM) - Triển lãm ảnh “Trường Sa trong ta” đang diễn ra tại Trung tâm Thông tin và Triển lãm Hà Nội (93 Đinh Tiên Hoàng) từ ngày 3 đến 7-8, đón nhiều bước chân thưởng lãm, đặc biệt là trong những ngày cuối tuần khi người dân Thủ đô và du khách tham gia không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.

Trường Sa trong ta

Sau chuyến đi đầu tiên tới mảnh đất cực Đông của Tổ quốc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) vẫn còn chưa dứt bồi hồi về cảnh sắc tráng lệ, những chiến sĩ rắn rỏi, kiên cường, những người dân đảo tươi tắn, rạng ngời... Bà cũng hiểu vì sao nhiều "người cầm máy" muốn trở lại nơi đây không chỉ một, hai lần.

Tham khảo nhiều bộ ảnh của đồng nghiệp từ Trường Sa về, nghệ sĩ Trần Thị Thu Đông nhận thấy, tình yêu Trường Sa có sẵn trong trái tim mỗi người, dù lần đầu hay đã nhiều lần tới đây. Và nghệ sĩ nảy ra ý tưởng nối những mạch tình yêu ấy lại bằng một triển lãm chung.

Tác phẩm Cầu cảng Trường Sa của tác giả Hoàng Ngọc Thạch.


Có 12 tác giả là những nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo hoạt động nghề nghiệp năng nổ tham gia triển lãm: Vũ Quốc Khánh (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), Tạ Hoàng Nguyên (Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), Lý Hoàng Long (Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam), Lê Nguyễn (Tổng Biên tập Báo ảnh Đất Mũi), Nguyễn Tất Bê, Thạch Công Thịnh, Lê Quang Dũng, Hoàng Ngọc Thạch, Nguyễn Hoàng Diệu, Nguyễn Mỹ Trà, Hà Hữu Đức và người khởi xướng Trần Thị Thu Đông. Các tác giả này phần lớn đã đến Trường Sa 2-3 lần, vì vậy, nguồn ảnh khá phong phú. Triển lãm chọn lọc 120 bức ảnh tiêu biểu, kể những câu chuyện chân thật, giản dị nhưng toát lên tình cảm sâu đậm của tác giả với từng khuôn hình.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Nguyễn đã nhiều lần đặt chân đến quần đảo Trường Sa và vô cùng tự hào khi chứng kiến giữa đại dương mênh mông, xanh thẳm, có những chiến sĩ tuổi đôi mươi ngày đêm chịu gian khó, sẵn sàng hy sinh bảo vệ biên cương Tổ quốc. Với ông, đấy chính là những anh hùng, tượng đài cao đẹp, đáng được tôn vinh. Vì thế, nhiều tác phẩm của ông ghi lại chân dung chiến sĩ trong sinh hoạt, rèn luyện và canh gác.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà của Đài Tiếng nói Việt Nam từng có 2 triển lãm cá nhân và 1 cuốn sách ảnh tựa “Trường Sa - nơi ta đến”. Lần này, tác giả chọn những bức ảnh giản dị, thể hiện góc nhìn nữ tính, mềm mại như về những trái bàng vuông, cầu vồng nối các đảo, ô cửa nhỏ mà trong đó đều thấp thoáng dáng hình kiên cường.

“Tôi đã mang theo mong mỏi của biết bao người muốn ra Trường Sa mà không được, nên tôi tranh thủ từng khoảnh khắc, kể cả lúc đang say sóng, để ghi lại nhiều nhất những gì mình nhìn thấy nơi đây”, nhà báo Nguyễn Mỹ Trà chia sẻ.

Ở triển lãm, người xem trải nghiệm một hành trình đi qua phần lớn các đảo chìm, đảo nổi, nhà giàn thuộc quần đảo Trường Sa. Có lúc là khung cảnh hùng vĩ biếc xanh vô tận, có lúc là một rặng cây, bờ cát hay luống rau, ngọn cỏ. Nhưng ấn tượng nhất là những gương mặt, ánh mắt, nụ cười rắn rỏi, hồn nhiên của những người giữ biển, từ cán bộ, chiến sĩ đến ngư dân và đặc biệt là những công dân nhỏ tuổi. Triển lãm cũng để lại khoảng lặng cho khán giả với hình ảnh xúc động về lễ tưởng niệm những người đã ngã xuống giữa muôn trùng biển khơi.

Thắp sáng tình yêu biển đảo

Chọn những tấm ảnh đẹp, chứa đầy tình cảm của tác giả đưa đến công chúng, những "người cầm máy" mong muốn mang Trường Sa đến gần hơn với mỗi người. “Phần lớn người xem bị thuyết phục về vẻ đẹp của từng khoảnh khắc mà các tác giả ghi lại, từ đó tình yêu biển đảo, tình yêu Trường Sa sẽ được lan tỏa, nhân rộng”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ.

Điều này được minh chứng ở họa sĩ Phạm Hà Hải. Chưa một lần đến Trường Sa nhưng được mời tham gia chuẩn bị cho triển lãm này, xem những bức ảnh chân thực và cảm nhận Trường Sa bằng tâm hồn nghệ sĩ, họa sĩ Phạm Hà Hải đã sáng tác một mẫu logo ý nghĩa dành riêng cho sự kiện. Logo có hình cách điệu đôi mắt, trong “cửa sổ tâm hồn” có hình ảnh bông hoa sóng, ngọn hải đăng, lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang, bất khuất. Họa sĩ cũng nung nấu được đặt chân đến nơi sóng gió ấy, để cảm nhận và sáng tác…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á qua 5 lần đến với Trường Sa và vùng biển Hoàng Sa đã cho ra mắt cuốn sách ảnh “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo Việt Nam” gồm 1.000 bức về cuộc sống, chiến đấu, lao động, học tập của quân và dân hai quần đảo thiêng liêng. Sự tỉ mỉ, nhạy cảm, tinh tế trong từng khuôn hình và cả những câu chuyện dung dị đi kèm mỗi bộ ảnh trong đó đã thuyết phục người xem, trở thành công trình nghệ thuật nhiếp ảnh có dấu ấn về đề tài biển đảo. Song tác giả chỉ gửi gắm một điều: “Để mọi người lật giở từng trang sách sẽ yêu biển đảo nhiều hơn, như bản thân tôi qua từng chuyến đi”.

Nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh sau mỗi chuyến đi Trường Sa thường có thôi thúc được giới thiệu những điều mình ghi lại với công chúng. Bởi họ biết rằng, chắc chắn chỉ cần xem và cảm nhận, ngọn lửa tình yêu Trường Sa và biển, đảo Tổ quốc sẽ được thắp lên. Chính vì vậy, dù có rất nhiều triển lãm chung chủ đề về Trường Sa, Hoàng Sa hay biển đảo Việt Nam được tổ chức những năm qua, nhưng lần nào cũng thu hút đông đảo khán giả.

Và những nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo như được tiếp thêm sức mạnh từ công chúng, sẵn sàng trở thành cầu nối tình yêu giữa đất liền và biển đảo bằng những hình ảnh mới nhất, chân thực và thân thương nhất. Với họ, đó là một hành trình sáng tạo ý nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa - nguồn cảm hứng nhiếp ảnh vô tận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.