Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bế mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2)

Hoàng Lân| 01/09/2018 09:50

(HNMO) - Tối 31-8, lễ bế mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2) đã diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng với các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc nhất của liên hoan.


Nhiều tác phẩm múa được đánh giá chất lượng tốt.


18 đơn vị, 18 chương trình nghệ thuật với trên 1.000 nghệ sĩ và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc đã được thể hiện tại TP Đà Nẵng trong suốt 12 ngày thi diễn. Mỗi đơn vị đều mang đến liên hoan bản sắc riêng của địa phương mình.

Liên hoan diễn ra trong thời điểm các đơn vị nghệ thuật đang đứng trước thử thách lớn lao của tiến trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, mà cụ thể là nhiều đơn vị sẽ phải tự chủ hoàn toàn, số khác sẽ phải sáp nhập với trung tâm văn hóa, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ, diễn viên. Mặc dù vậy, các đoàn vẫn khắc phục những khó khăn, xây dựng các chương trình đạt chất lượng nghệ thuật để tham dự liên hoan. Một số đoàn ngày càng trưởng thành, như: Nhà hát dân gian Sao Biển, Đoàn Văn công Quân khu V...; một số đơn vị vẫn giữ vững được vị thế của mình, như: Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không Không quân, Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng...

Đánh giá chất lượng của liên hoan, nhạc sĩ Tào Tuấn Phương - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã nhận định, liên hoan lần này không bị gò bó bởi đề tài, điều đó đã góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời tạo ra bức tranh nghệ thuật đa sắc màu và tăng tính hấp dẫn cho các chương trình. Liên hoan đã xuất hiện những dàn nhạc điện tử và dân tộc có trình độ, được phối khí, dàn dựng mới lạ. Ngoài những nhạc sĩ dày dặn kinh nghiệm sáng tác, đã xuất hiện những nhạc sĩ trẻ tài năng: Dương Cầm, Đức Tân, Xuân Huy, Minh Đức… đóng góp cho liên hoan những tác phẩm âm nhạc độc đáo, hiện đại và đậm chất dân tộc. Lần đầu tiên tiếng động đã được sử dụng hiệu quả. Trình độ của các diễn viên múa tại các đoàn không chênh lệch nhiều, kỹ năng múa và cảm xúc của diễn viên đã có những bước tiến đáng kể, đặc biệt có những diễn viên múa nổi bật và trở thành những điểm sáng, những solist trẻ có tiềm năng...

Nhiều huy chương được trao tại lễ bế mạc.


Tuy nhiên, nhạc sĩ Tuấn Phương cũng nêu rõ những điểm còn hạn chế, đó là vẫn còn những chương trình dàn dựng theo lối mòn, kết cấu và liên kết trong chương trình còn khiên cưỡng, chưa hấp dẫn; có đơn vị chỉ sử dụng tác phẩm của 1, 2 tác giả, dàn dựng thiếu tính sáng tạo, đã làm giảm đi sự phong phú của chương trình; một số đơn vị sử dụng nhiều cộng tác viên, điều này dẫn tới sau liên hoan, khi lực lượng cộng tác viên không còn, đồng nghĩa với việc tiết mục, thậm chí đơn vị sẽ khó khăn trong việc hoạt động…

Tại lễ bế mạc liên hoan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên ghi nhận những thành quả nghệ thuật mà các nghệ sĩ và đơn vị nghệ thuật đã đạt được. “Dù biết rằng, trước mắt con đường nghệ thuật còn nhiều thử thách chông gai, nhưng qua những gì được thể hiện, có thể khẳng định, nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, tranh thủ được cơ hội trong bối cảnh hiện nay để có những bước phát triển mới, góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nhận định.

Trước đó, ngày 30-8, cũng trong khuôn khổ liên hoan, đã diễn ra tọa đàm “Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình hình mới” với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý văn hóa, các hội chuyên ngành ca - múa - nhạc, các giám đốc nhà hát, các nghệ sĩ tham dự hai kỳ liên hoan ca múa nhạc 2018.

Kết thúc liên hoan, Ban tổ chức trao:

- 31 Huy chương vàng, 45 Huy chương bạc cho các tiết mục ở các thể loại đơn ca, song ca, tốp ca, hòa tấu, múa...

- 4 Huy chương vàng cho các chương trình nghệ thuật xuất sắc nhất: “Hà Nội, ngày…tháng…năm” của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long; “Khu 5 vang mãi khúc quân hành“ của Đoàn Văn công Quân khu 5; “Chuyện Tiên Sa” của Nhà hát Trưng Vương; “Một ngày của biển” của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên.

- 1 giải Xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang cho chương trình “Tình yêu bầu trời” (Đoàn Văn công quân chủng Phòng không Không quân)

- 1 giải Đặc biệt cho chương trình “Lưỡng cực” của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

- Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc: Huỳnh Tấn Phát với chương trình “Một ngày của biển” - Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên

- Biên đạo xuất sắc: NSND Kiều Lê

- Nhạc sĩ xuất sắc: Đỗ Ngọc Cầm (Dương Cầm) và Vũ Đức Tân

- Đạo diễn chương trình xuất sắc: NSƯT Trần Ly Ly cho “Hà Nội, ngày…tháng…năm” - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long

- Họa sĩ xuất sắc: Hoàng Anh Dũng với “Chuyện Tiên Sa” - Nhà hát Trưng Vương.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bế mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.