Theo dõi Báo Hànộimới trên

1.000 hiện vật “một thời để nhớ” được trao cho Bảo tàng Hà Nội

Bài và ảnh: Hoàng Lân| 12/09/2018 18:16

(HNMO) - Chiều 12-9, Bảo tàng Hà Nội tổ chức Lễ vận động và tiếp nhận hiện vật hiến tặng của các tổ chức, cá nhân. Theo lộ trình, tháng 10-2018, Bảo tàng Hà Nội phải báo cáo UBND TP Hà Nội các nội dung trưng bày để công tác trưng bày hoàn thành vào năm 2019.

Tiếp nhận hơn 1000 hiện vật

Mỗi lần Bảo tàng Hà Nội tiếp nhận các hiện vật do tổ chức, cá nhân trao tặng cho công tác trưng bày đều có nhiều câu chuyện xúc động. 

Bảo tàng Hà Nội tổ chức lễ vận động và tiếp nhận hiện vật hiến tặng của các tổ chức, cá nhân.


Theo thông tin từ Bảo tàng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã vận động, tiếp nhận được hơn 1.000 hiện vật của 38 cá nhân, tổ chức trong tổng số 1.065 hiện vật còn thiếu so với thiết kế và đề cương kịch bản trưng bày.

Lần trao tặng này tuy không có những hiện vật có giá trị kinh tế cao như đôi mỏ neo cổ trị giá hàng tỷ đồng của nhà sưu tập Quách Văn Địch trao tặng vào năm ngoái, nhưng rất nhiều vật dụng xưa cũ, gợi nhớ một thời đã qua của cuộc sống người Hà Nội, cũng đủ để nhiều người xem lưu luyến.

Bộ dụng cụ khảm trai do ông Dương Văn Sinh (Thường Tín) hiến tặng.


Đó là bộ ảnh tư liệu của gia đình Giáo sư Dương Quảng Hàm và con tem Trường Bưởi do ông Dương Tự Minh – con trai Giáo sư Dương Quảng Hàm hiến tặng; bộ đồ ăn trầu, nồi đồng, điếu của gia đình ông Nguyễn Huy Giang; bộ bàn chế tác và bộ đồ nghề đậu bạc của gia đình nghệ nhân Quách Văn Trường; những sản phẩm gốm của cố nghệ nhân Lê Văn Cam tạo tác được gia đình hiến tặng cùng chiếc xe đạp nam mua năm 1960…

Một số hiện vật tưởng đơn giản nhưng lại ẩn chứa những câu chuyện hấp dẫn, như bộ ảnh cưới của chủ hiệu ảnh nổi tiếng làng Lai Xá, chiếc gương treo tường của một hiệu cắt tóc sử dụng từ năm 1923 hay bộ đồ gánh phở rong của gia đình cửa hàng phở Ngọc Vượng…

Bộ ảnh cưới của chủ tiệm ảnh Lai Xá hiến tặng.


Mỗi hiện vật được trao cho Bảo tàng Hà Nội là những hoài niệm, ký ức của những cá nhân, gia đình trao tặng. Bởi vậy, khi trao lại cho bảo tàng, nhiều người đã không khỏi rưng rưng nhớ lại ký ức của chính mình.

Bà Nguyễn Thị Sinh, nay đã 76 tuổi, tặng cơi đựng trầu được chạm trổ hoa văn có tuổi đời hàng trăm năm. Bà chia sẻ, món đồ vật đó như là “gia bảo” của gia đình, được truyền từ đời này qua đời khác.

Bà Nguyễn Thị Sinh.

“Sáng nay, trước khi đến Bảo tàng Hà Nội, tôi đã thắp hương khấn xin tổ tiên. Món đồ vật tuy nhỏ nhưng là kỷ vật lâu đời của gia đình. Giờ tôi đã có tuổi, tặng lại bảo tàng để sau con cháu có nhớ thì đến đây xem”, bà Sinh bày tỏ. Đây là lần thứ 3 bà Sinh và gia đình hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội. Hai lần trước chủ yếu là những vật dụng gia đình như tủ chạn hay chiếc xoong, nồi được bà gò từ những mảnh vỡ máy bay.

Chị Nguyễn Thị Tâm, con gái của nghệ nhân lụa Vạn Phúc Nguyễn Hữu Chỉnh, bùi ngùi khi kể về những hiện vật trao tặng cho bảo tàng dịp này. Đó là những mẫu lụa hoa ban và lụa long vân do nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh sáng tạo, từng được giải thưởng trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

“Cha tôi đã mất hai năm. Di sản ông để lại cho con cháu là những mẫu lụa cao cấp, họa tiết độc đáo mà ông dày công nghiên cứu, sáng tạo. Chúng tôi giờ không ai theo được nghề gia đình nên quyết định tặng lại bảo tàng để nếu có trưng bày thì đó là cách nhắc nhớ con cháu về nghề thủ công truyền thống của ông cha”, chị Tâm nói.

Sẵn sàng công tác trưng bày

Có mặt tại Bảo tàng Hà Nội lần này, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, con trai nhà văn Kim Lân, không chỉ góp tặng bộ đồ thờ có từ thời Nguyễn, mà còn đến với tư cách một chuyên gia cộng tác với Bảo tàng Hà Nội nhiều năm nay. Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận được số lượng lớn các hiện vật, tuy nhiên "bài toán" ở đây là sắp đặt các hiện vật sao cho khoa học, hợp lý, để mỗi hiện vật sẽ kể những câu chuyện của mình. Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, ngoài việc trưng bày hiện vật, Bảo tàng Hà Nội nên lưu tâm đến việc tận dụng không gian rộng đang có để xây dựng thêm nhiều hoạt động hấp dẫn người dân.

Nhóm hiện vật gia đình gồm các sổ tiết kiệm và những giấy chứng nhận có từ thời bao cấp do ông Nguyễn Văn Năm trao tặng.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết, thời điểm này, Bảo tàng Hà Nội đã tiếp nhận được tổng số hơn 7.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, có giá trị lớn.  

Bên cạnh sự tư vấn của Hội đồng chuyên ngành gồm nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử của Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội đã mời đoàn chuyên gia của Pháp sang làm việc, tư vấn và xây dựng các phương án trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng đã xây dựng được 7 nhóm chuyên đề và có 80% số lượng hiện vật đủ để đáp ứng công tác trưng bày.

Chiếc đồng hồ và máy ảnh cổ do ông Trịnh Đình Hùng hiến tặng.

“Bảo tàng Hà Nội sẽ dành 1 tầng để thực hiện chuyên đề riêng về Hà Nội. Những nội dung trưng bày gồm: Hà Nội thời bao cấp, văn hóa tín ngưỡng của người Hà Nội, các làng nghề Hà Nội, Hà Nội 36 phố phường… Chuyên đề về Hà Nội sẽ được thể hiện rõ ràng, công phu, trở thành nét riêng của bảo tàng”, ông Nguyễn Tiến Đà cho biết.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Hà Nội sẽ tạo thêm những không gian tương tác phù hợp với nhiều lứa tuổi và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của khách tham quan. Trẻ em sẽ có khu vui chơi, trải nghiệm để tìm hiểu văn hóa, lịch sử.

Theo tiến độ, vào tháng 10-2018, Bảo tàng Hà Nội sẽ báo cáo UBND TP Hà Nội các nội dung trưng bày. Đến năm 2019, việc trưng bày trong bảo tàng sẽ được hoàn tất để đón khách tham quan.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
1.000 hiện vật “một thời để nhớ” được trao cho Bảo tàng Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.