Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khôi phục hầm 59 và hầm 66 tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long

Theo Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)| 08/11/2018 18:28

Theo tiến sỹ Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, nếu không nhắc đến thời đại Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử của Hoàng thành Thăng Long sẽ là thiếu sót lớn.

Hầm chỉ huy tác chiến T1. (Nguồn: hoangthanhthanglong)


Tìm phương án khôi phục, phát huy giá trị của hầm 59 và hầm 66 ở Hoàng thành Thăng Long là một trong những giải pháp để tôn vinh giá trị Di sản Hoàng thành Thăng Long.

Song tại cuộc tọa đàm bàn về vấn đề này được tổ chức ngày 8-11, tại Hoàng thành Thăng Long, với sự tham gia của nhiều nhân chứng, nhà nghiên cứu lịch sử, chuyên gia lịch sử quân sự và chuyên gia bảo tồn cho thấy, việc khôi phục và phát huy di tích này không thể "một sớm một chiều".

Nơi chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử

Hầm 59 và hầm 66 được xây dựng ở phía Bắc nền điện Kính Thiên, khu vực nhà và hầm D67. Đây là nơi các đồng chí trong Bộ Chính trị, chỉ huy Bộ Quốc phòng từng làm việc trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đồng thời, đây cũng là trung tâm đầu não, nơi đề ra những chủ trương, những quyết định, kế hoạch chiến lược, chỉ thị quan trọng thắng lợi hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc từ năm 1965 đến năm 1973, đỉnh cao là sự chỉ đạo thắng lợi trận Điện Biên Phủ trên không vào cuối năm 1972.

Hầm 59 và hầm 66 còn là nơi thực hiện những mệnh lệnh phối hợp tác chiến nhằm chỉ đạo trực tiếp cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

Bồi hồi nhớ lại ký ức gắn với hầm 59, Trung tá Bùi Thị Nghiêm, nguyên cán bộ Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu kể, thời đó, căn hầm có ba lối xuống nhưng chủ yếu mọi người xuống bằng lối trên sân Rồng, lối thứ hai phía Nam cạnh hai Rồng đá, lối thứ ba phía Tây có ngách nhỏ đủ đi ra đi vào.

Trong hầm có quạt bàn Liên Xô để thông gió ở ngoài vào và hầm để hở một khe lối cạnh thềm Rồng để thoát hơi. Trang thiết bị làm việc lúc đó có máy đánh chữ Ốttêma của Đức, sổ kẹp tài liệu, giấy than…

Bà Nghiêm thường đánh máy các công văn, chỉ thị, mệnh lệnh, quyết định của Bộ gửi các chiến trường, mặt trận để chỉ đạo các lực lượng chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ.

Nhiều tài liệu khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tay, đưa cơ yếu mã dịch rồi chuyển đi ngay trong vòng hơn một giờ đồng hồ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Khôi, nguyên cán bộ Cục Cơ yếu, Bộ Tổng Tham mưu cũng có những kỷ niệm về hầm 66 hay còn gọi là hầm Cơ yếu.

Theo ông, căn hầm có hai cửa, một cửa quay về phía Tây, mọi người hay đi xuống bằng cửa này và một cửa quay về phía Nam. Độ sâu của hầm khoảng 6-7m, chia làm hai ngăn, một ngăn rộng chừng 5m2, có lỗ thông gió, cùng hệ thống đèn nêông, đường điện chìm.

Ông cũng hồi tưởng về những năm tháng làm việc tại Phòng Mã dịch thuộc Cục Cơ yếu với nhiệm vụ mã hóa và giải mã hàng nghìn bức điện, hàng triệu nhóm điện bí mật, chính xác, kịp thời phục vụ chỉ huy thông suốt của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu, các cơ quan Bộ xuống toàn quân.

Việc khôi phục còn nan giải

Để khôi phục và phát huy hầm 59 và hầm 66, trong năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức nghiên cứu, sưu tầm tư liệu về hai căn hầm thông qua những buổi làm việc với Văn phòng Bộ Quốc phòng, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Cục Cơ yếu… đề nghị cung cấp hiện vật liên quan.

Đồng thời, Trung tâm gặp gỡ các nhân chứng làm việc tại hầm 59 và 20 nhân chứng là các cán bộ cơ yếu làm việc tại hầm 66 để sưu tầm thêm các thông tin liên quan. Song, dường như những gì thu được chưa thể đủ căn cứ để khôi phục và trưng bày.

Bởi từ khi hai căn hầm chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình cho đến nay khoảng thời gian là khá lâu, hiện vật gốc khó được lưu giữ đầy đủ nên để tái hiện nguyên trạng là điều rất khó.

Các em học sinh tham quan Triển lãm “Trận Điện Biên Phủ trên không và Căn hầm chỉ huy tác chiến T1.” (Nguồn: hoangthanhthanglong)


Các nhà khoa học, các chuyên gia mong muốn nếu không có đủ hiện vật gốc cũng sẽ tìm được những hiện vật tương đương chủng loại để trưng bày. Đây cũng vẫn là bài toán đặt ra với các nhà khoa học và Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội.

Hơn nữa, về khôi phục hạ tầng hai căn hầm, các nhà nghiên cứu cho rằng, trước hết cần khôi phục, sửa chữa lại căn hầm, xử lý chống thấm toàn bộ vì hiện tại cả hai căn hầm đều ngập nước, sau đó cần nghiên cứu xây dựng hệ thống chiếu sáng phù hợp.

Theo Nguyên Trưởng ban Cơ yếu Trung ương (nay là Ban Cơ yếu Chính phủ) Nguyễn Chiến, với công nghệ hiện nay chúng ta có thể khôi phục được hai căn hầm nhưng trước khi khôi phục cần phải xem xét tổng thể căn hầm.

Phương án khôi phục có thể bằng công nghệ 3D hoặc mô phỏng. Việc trước mắt phải có quy hoạch tổng thể về bảo tồn, sau đó mới tiến hành các bước khôi phục.

Đồng quan điểm này, phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định, điều quan trọng là phải xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử các công trình liên quan đến hoạt động của Bộ Tư lệnh tối cao tại đây, trong đó có các hầm 59, hầm 66 và các hầm khác.

Tới đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội sẽ xây dựng sơ đồ các công trình từ năm 1959 đến thời kỳ sau này, cần phải nghiên cứu, làm rõ  giá trị diện mạo của các công trình được vận hành trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại Hoàng thành Thăng Long, trong đó có hầm 59 và hầm 66.

Để công trình này có sức hấp dẫn, có sự thu hút, cần tái phục được diện mạo căn hầm từ khi đưa vào hoạt động đến năm 1975, thậm chí cả thời kỳ sau năm 1975, còn hiện tại cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tập.

Phó giáo sư-tiến sỹ Trần Đức Cường nhấn mạnh, Việt Nam có rất ít các công trình có sức hấp dẫn như các hầm này nên cần thiết phải khôi phục, phát huy giá trị của hầm 59 và hầm 66.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khôi phục hầm 59 và hầm 66 tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.