Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” sẽ đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với khán giả

T. Minh| 30/11/2018 19:44

(HNMO) - Nhận được không ít lời mời làm việc ở nước ngoài với mức lương cao, nhưng nhạc trưởng Đồng Quang Vinh vẫn quyết định về nước để cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều hơn.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.


Nhận lời mời của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) về chỉ huy dàn nhạc giao hưởng cho vở ballet “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” năm 2018, diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 5 và 6-12-2018, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã chia sẻ với HNMO những suy nghĩ của mình về vở ballet nói riêng cũng như nền nghệ thuật hàn lâm nói chung.

- Là một nhạc trưởng tài năng của làng âm nhạc Việt Nam, ông có thể cho biết lý do ông nhận lời chỉ huy dàn nhạc của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho vở diễn “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” năm 2018?


Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Năm 2016, tôi từng hợp tác rất thành công với VNOB với "Kẹp hạt dẻ" phiên bản rút gọn. Có lẽ đây cũng là một trong những dấu ấn để năm 2018 này tôi tiếp tục được Giám đốc VNOB, NSƯT Trần Ly Ly mời chỉ huy dàn nhạc cho vở “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên”.

Không chỉ Việt Nam mà cả trên thế giới, nghệ thuật ballet và opera là hai đỉnh cao của âm nhạc hàn lâm. Dưới nhiều góc độ, hai thứ nghệ thuật này khó hơn cả chơi giao hưởng. Vì với nhạc trưởng, chỉ huy những tác phẩm giao hưởng thì chỉ phải thuộc bài và biểu diễn những tác phẩm với tốc độ và yêu cầu hợp lý theo yêu cầu của mình, nhưng khi chỉ huy những tác phẩm opera và ballet thì mình phải theo hơi thở, nhịp điệu của những người ca sĩ và diễn viên múa.

Về mặt nội dung, một vở opera hay ballet chứa đựng một khối lượng thông tin và giá trị nghệ thuật lớn hơn một bản giao hưởng rất nhiều. Nó có cốt chuyện chặt chẽ, có nhiều màn, nhiều cảnh, nhiều nhân vật, lời thoại, nhạc công, nhạc cụ, đạo cụ, phục trang, thiết bị âm thanh, ánh sáng v.v... Và ngoài nhạc trưởng ra, nó cần đạo diễn.

Còn một bản giao hưởng thì trừ vấn đề nhạc khí ra, nó có thể bỏ qua được nhiều yếu tố vừa kể trên. Đây cũng là sự thử thách bản thân đối với người nhạc trưởng. Và đương nhiên, tôi thấy rất vinh dự và cũng rất thú vị khi được phiêu lưu trong những tác phẩm kinh điển lớn nhất của thế giới này.


- Được biết đây là lần đầu tiên, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đưa toàn bộ phiên bản gốc của Mariinsky vào “Kẹp hạt dẻ”. Ông có thể chia sẻ về sự thay đổi này?

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Đây là một lựa chọn tuyệt vời. Những phiên bản được Nhà hát Vũ kịch Mariinsky chọn lựa trình diễn luôn là những phiên bản kinh điển bậc nhất thế giới. Phiên bản này được nhạc trưởng người Nga - Valery Gergiev chỉ huy. Ông là thần tượng, và là một tấm gương mà tôi luôn phấn đấu học theo, không phải chỉ về trình độ chuyên môn siêu việt, mà còn cả cách ông tổ chức, lãnh đạo, xử lý công việc và cuộc sống.

Nga là một đất nước đã có vài trăm năm lịch sử nghệ thuật hàn lâm nên đương nhiên sự đầu tư về kinh tế cho các bộ môn nghệ thuật này là rất lớn. Việt Nam cũng đang dần dần từng bước đầu tư cho nghệ thuật hàn lâm, và đương nhiên chúng ta sẽ cần thời gian để từng bước đưa nghệ thuật này (trong đó có nhạc giao hưởng, opera, ballet ...) đến với nhiều khán giả hơn.

Khi được biết VNOB sẽ làm ballet “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Mariinsky, tôi thấy rất mừng, vì đây là một bước đột phá. Nó chứng tỏ rằng, chúng ta đã sẵn sàng đầu tư lớn hơn cho những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Và chắc chắn với tâm huyết của lãnh đạo cũng như tập thể nghệ sĩ, với tinh thần làm việc rất chuyên nghiệp của VNOB, “Kẹp hạt dẻ” phiên bản Mariinsky lần đầu tiên biểu diễn ở Việt Nam sẽ được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình. Và sự thành công của nó hy vọng sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quá trình phổ cập hoá nghệ thuật hàn lâm vào xã hội Việt Nam.


Ông có ý định làm mới hay tạo ra một nét riêng cho phiên bản gốc Mariinsky của Nga trong “Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” năm nay?

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Tôi được mời lần này với vai trò nhạc trưởng, chủ yếu phụ trách phần dàn nhạc. Dàn nhạc cho vở diễn này là dàn nhạc hai quản (tức mỗi nhóm nhạc cụ hơi - bộ gỗ và bộ đồng - gồm hai cây kèn) quy mô lớn, với khoảng 60 nhạc công biểu diễn. Với âm nhạc hàn lâm, một thứ âm nhạc vốn nghiêm khắc không được phép tự ý phá cách, đặc biệt với một phiên bản đã được trình diễn thành công trên thế giới, tôi sẽ không đưa thêm một sự thay đổi nào về mặt phối khí và biểu diễn đối với dàn nhạc. Sự thay đổi chủ yếu nằm ở phần múa, biên đạo sẽ dựng lại với nội dung và hình thức phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam. Phần phối khí và kết cấu kinh điển của “Kẹp hạt dẻ” theo phiên bản Mariinsky sẽ được giữ nguyên.

Tuy nhiên, việc không thay đổi nói trên không đồng nghĩa với sự đơn giản và không có sáng tạo. Ngược lại, nó còn khó hơn là người ta tưởng. Vì khi biểu diễn một tác phẩm kinh điển thế giới, bạn sẽ phải đối mặt với sự so sánh. Phiên bản "Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” sẽ được khán giả và các đồng nghiệp mang ra so sánh một cách rất tự nhiên với những phiên bản họ đã từng xem, mà phần lớn là các phiên bản nổi tiếng thế giới.

Ở Việt Nam, những tác phẩm thế này không được diễn nhiều, nên không có nhiều phiên bản. Làm thế nào để vừa không bị chê mà ngược lại lại được khen là có sáng tạo trong hơi thở, trong cách xử lý về cường độ và tốc độ giữa các cảnh, các màn và giữa các nhân vật, là điều mà tôi luôn đau đáu hướng về. Tuy nhiên, tôi tin rằng, với sự nỗ lực của bản thân mình, của các anh chị em nghệ sĩ, cùng sự hỗ trợ của đội ngũ lãnh đạo VNOB, tác phẩm sẽ có một sự thành công nhất định. Ít nhất chúng ta đã làm, có làm thì mới có cái để tự mình, và cả người khác nữa, học tập, và từ đó lại có động lực làm nhiều cái mới nữa.

- Được biết, hiện nay, ông đã xây dựng được dàn nhạc tre nứa "Sức sống mới". Liệu, ông có ý định đưa một vài loại nhạc cụ này vào dàn nhạc của “Kẹp hạt dẻ 2018”?

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Dàn nhạc tre nứa "Sức sống mới" là một sự tiếp nối truyền thống của ban nhạc tre nứa gia đình, cho tình yêu âm nhạc nói chung và tình yêu âm nhạc tre nứa, âm nhạc dân tộc nói riêng. Nó được gọi là dàn nhạc vì nó lớn hơn nhiều về mặt biên chế nhạc công, biên chế phối khí nhạc cụ trong các tác phẩm âm nhạc và cả sự đa dạng trong các thể loại âm nhạc, không chỉ âm nhạc Việt Nam mà cả âm nhạc thế giới. "Sức sống mới" đã trở thành khách mời quen thuộc của Nhà hát Lớn Hà Nội và nhiều nước trên thế giới.

Lần này tôi không đưa nhạc cụ tre nứa dân tộc của "Sức sống mới" vào "Kẹp hạt dẻ", vì đây là một tác phẩm âm nhạc hàn lâm, không được có sự tự ý thay đổi về mặt phối khí. Tuy nhiên, tôi đang phối khí những giai điệu kinh điển của "Kẹp hạt dẻ" vào cho dàn nhạc tre nứa “Sức sống mới” biểu diễn mừng giáng sinh theo lời mời của viện Goethe, cũng trong tháng 12 này. Đây cũng là một phiên bản "Kẹp hạt dẻ" đầu tiên được trình diễn với các nhạc cụ tre nứa dân tộc của Việt Nam. Và tôi tin chắc rằng, với sự kỹ lưỡng trong phối khí và tập luyện, chúng tôi sẽ mang đến cho khán giả một cảm giác hoàn toàn khác từ sự kết hợp Đông - Tây này.

-Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc cho vở diễn thành công rực rỡ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Kẹp hạt dẻ - Giấc mơ thần tiên” sẽ đưa nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với khán giả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.