Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiếp ảnh gia Việt Thanh: Khoảnh khắc vàng chỉ có từ lao động mà ra

Theo MINH SƠN (VIETNAM+)| 03/12/2018 15:44

Là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng như là phóng viên ảnh kỳ cựu của Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thanh đã có những chia sẻ hết sức chân thật về cuộc thi ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng.

Nhiếp ảnh gia Việt Thanh là một trong những ban giám khảo của cuộc thi ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng 2018. (Ảnh: NVCC)


- Kể từ mùa giải đầu tiên năm 2008 đến nay đã 10 năm, Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức đang trở thành một giải ảnh báo chí rất có uy tín trong giới các nhà báo nói riêng và trong giới nhiếp ảnh Việt Nam nói chung. Vậy ông đánh giá thế nào về hiệu ứng, tác động của các giải thưởng nhiếp ảnh hiện nay, đặc biệt là Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng?

- Một năm tôi làm giám khảo hơn 20 cuộc thi về nhiếp ảnh, xu hướng chung bây giờ là các nhiếp ảnh gia hay gửi các ảnh mang tính báo chí đi dự thi. Theo xu hướng chung của thời đại và nhận thức của người dân, ban giám khảo và người xem bắt đầu thiên về những bức ảnh mang tính sự kiện, có màu sắc cuộc sống một cách rõ nét chứ không phải những bức ảnh mang tính sắp đặt, trang trí nữa.

Ví dụ, một cuộc thi bình thường với một đề tài mang tính chung chung, khối lượng ảnh thời sự hoặc ảnh mang hơi thở cuộc sống chiếm đến 70%. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho nhiếp ảnh Việt Nam thời gian gần đây.

Các cuộc thi bây giờ đã đặt ra các tiêu chí cụ thể hơn ngày xưa. Cách đây vài năm thôi, đề tài của các cuộc thi nhiếp ảnh rất chung chung như Việt Nam - Đất nước - Con người hay Phong cảnh Việt Nam tươi đẹp. Những cuộc thi như thế thường không thu hút những "nhân vật key", "nhân vật key" ở đây ý tôi muốn nói là phóng viên ảnh từ các tờ báo.

Còn bây giờ, đề tài của các cuộc thi ảnh đã mang tính cụ thể hơn rất nhiều. Ví dụ, gần đây, cuộc thi ảnh của Ngân hàng Thế giới kết hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức cuộc thi ảnh với chủ đề về Chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Đề tài của họ quá cụ thể và rất nhân văn. Ban tổ chức đã đưa ra các tiêu chí rất cụ thể để người dự thi bám vào để tham dự như nước sạch, dinh dưỡng, chăm sóc người già, chăm sóc từ lúc mang thai... và kết quả cuộc thi thu lại rất tốt.

Một phần nữa về vấn đề ban giám khảo, thường người tham dự thi ảnh nhìn vào ban giám khảo là ai, có uy tín hay không. Các cuộc thi ảnh hiện nay ở trong nước thu hút nhiều người tham gia hay không phụ thuộc rất nhiều vào tiêu chí và ban giám khảo.

Chính vì thế, tôi có thể khẳng định rằng, Khoảnh Khắc Vàng 2018 là một cuộc thi có uy tín. Cho đến thời điểm hiện tại, có hơn 7.000 tác phẩm được gửi về cuộc thi và đa phần chất lượng rất tốt.

- Bản thân ông là một ban giám khảo rất nhiều cuộc thi ảnh trong nước hay quốc tế, ông có nhận xét như thế nào về những tiêu chí của các cuộc thi ảnh ở Việt Nam so với quốc tế?

- Trước đây, các cuộc thi ảnh ở Việt Nam có nhiều nhược điểm do không phân bổ thời gian hợp lý, người dự thi có thể thoải mái gửi ảnh bất kể năm nào. Thế nhưng trong những năm gần đây, các cuộc thi ảnh đã phát triển theo xu hướng của thế giới, ban tổ chức đã giới hạn thời gian chụp ảnh.

Việc giới hạn thời gian chụp ảnh rất hay khi nó khiến các nhiếp ảnh gia phải lao động, phải làm việc cật lực, cố gắng hết mình chứ không bao giờ ngủ quên trên ánh hào quang cũ hay lười nhác đi chụp.

Ví dụ, giải Khoảnh Khắc Vàng năm nay được giới hạn từ năm 2017-2018 thì các phóng viên, các nhiếp ảnh gia bắt buộc phải đi làm việc rất nhiều, phải tìm tòi, ảnh phải mới, nó khuyến khích sự lao động, sáng tạo, khuyến khích người ta bám vào sự kiện. Đấy mới là một cuộc thi ảnh báo chí, báo chí phải mang tính thời sự. Điều đó rất gần với các tiêu chí của những cuộc thi ảnh nổi tiếng trên thế giới.

Bản thân các cuộc thi ảnh nghệ thuật thế giới cũng có thời gian cụ thể. Hầu hết rất gần, cùng lắm 2-3 năm trở lại. Thông tấn xã Việt Nam đặc biệt đã đặt ra một quy chế, tiêu chí thi rất chặt chẽ. Theo tôi, đó là một sự tiến bộ và thay đổi rất lớn.

- Giải Khoảnh Khắc Vàng thường ưu tiên những bức ảnh mang tính báo chí, vậy là một phóng viên ảnh lâu năm ông thấy chụp ảnh báo chí có khó khăn gì? Để có được những khoảnh khắc vàng thì phải làm như thế nào?

- Bản thân tên cuộc thi đã thể hiện cái tiêu chí chung của giải. Đó là người tham gia phải lao động rất nhiều, trong thời gian lao động mới phát sinh ra sự sáng tạo và có những khoảnh khắc đẹp. Khoảnh khắc vàng chỉ có từ lao động mà ra.

Thật sự đây là một Giải thưởng ngoài việc tôn vinh những sự kiện mà còn là sự tôn vinh tinh thần lao động của các phóng viên.

- Ông đánh giá thế nào về các tay máy trẻ hiện nay, đặc biệt là những phóng viên ảnh trẻ?


- Bản thân tôi là một người cầm máy hơn 26 năm. Tôi luôn luôn để ý đến lớp trẻ. Tôi thấy gần đây, các phóng viên ảnh trẻ ở Việt Nam rất chịu khó, xông xáo, tìm tòi và họ có học hỏi một cách nghiêm túc từ các bậc thầy trên thế giới. Thực sự đây là một điều đáng mừng vì nhiếp ảnh là một thứ mà chúng ta phải luôn cập nhật, học tập hằng ngày.

Trên thế giới chúng ta chỉ cần bỏ chậm 1-2 ngày đã tụt hậu về công nghệ, kiến thức hay cả góc nhìn. Những năm 60-80, quan niệm về ảnh báo chí họ thường sử dụng ống kính tele để cho cảm giác an toàn cho người chụp.

Thế nhưng xu hướng bây giờ, ảnh báo chí luôn luôn dùng ống kính góc rộng, vì ống kính góc rộng cách thể hiện rất khó, bắt buộc người ta phải tiếp cận chủ thể. Không có cách nào khác. Tôi đánh giá xu hướng ấy rất nhân văn và làm cho người biên tập ảnh cảm thấy rằng người phóng viên đó đã cố gắng đến mức nào. Tôi cũng đã từng làm biên tập ảnh, nhìn vào bức ảnh tôi sẽ biết được mức độ tiếp cận của phóng viên cũng như sự dũng cảm, dấn thân của người đó.

Một số bậc thầy nhiếp ảnh trên thế giới, góc tele của họ là tiêu cự 35mm. Có nghĩa là họ vô cùng chịu khó tiếp cận, thậm chí về ảnh chiến tranh. Vì khi tiếp cận họ mới cảm nhận được hết và có sự kết nối với đối tượng đồng thời sự ghi nhận về thông tin cũng như hình ảnh, màu sắc rõ ràng hơn rất nhiều.

- Qua câu chuyện có thể thấy ông đánh giá rất cao các phóng viên trẻ hiện nay, vậy thông qua cuộc thi Khoảnh Khắc Vàng ông có lời khuyên gì cho các tay máy trẻ?


- Những bạn phóng viên trẻ bây giờ hay mắc một thói quen đó là chưa biết chắt lọc những gì là chính, những gì là phụ. Nhiều bộ ảnh khi họ tham gia cuộc thi rất "tham", cái gì cũng muốn cho vào. Nhưng thực ra kiếm được những tấm ảnh đắt giá nhất cho vào bộ ảnh thì các bạn chưa làm được điều đó.

Họ vẫn theo tính chất lấy số lượng hơn chất lượng. Việc này phải do quá trình kinh nghiệm bản thân, thời gian sẽ điều chỉnh được. Nhưng nếu tham gia những khóa học về ảnh báo chí thì chắc chắn các bạn sẽ có kinh nghiệm sớm hơn, để đỡ mất một thời gian để trải nghiệm.

- Những năm gần đây nổi lên một lĩnh vực nhiếp ảnh mới đó là ảnh chụp bằng điện thoại di động, vậy ông có đánh giá những tác động của thể loại này thế nào đến nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay?


- Theo tôi, nó tác động rất mạnh, nó gần như làm phổ cập hóa nhiếp ảnh đến toàn dân. Thời đại này là thời đại của di động và facebook. Mỗi một người có thể là tổng biên tập của chính cá nhân mình, trên chính trang báo của bản thân mình.

Mảng nhiếp ảnh di động bây giờ có rất nhiều thuận lợi, chất lượng về ảnh trên các thiết bị di động quá tốt so với nhiếp ảnh ngày xưa. Nó có được sự gần gũi, di động là một thứ nhiếp ảnh thực tiễn, có tính tương tác cao.

Khi chúng ta dùng điện thoại di động chúng ta có thể tiếp cận một cách rất dễ dàng, không bao giờ đối tượng cảm thấy bị ngượng ngập hay sợ bị làm phiền. Nó đầy đủ chức năng và đảm bảo cho người ta thông tin sớm nhất, nhanh nhất.

Di động là một xu hướng chung của thế giới và tất cả các hãng điện thoại đều nhắm vào việc đó. Ngoài việc lướt web ra, các hãng di động họ đều nhắm vào phân khúc hình ảnh trên di động. Chính vì vậy, nhiếp ảnh di động là một xu hướng "hot" của báo chí hiện đại. Nhiều lúc chúng ta không thể vác máy to để chụp người khác. Tôi không thể phủ nhận di động gần như thay thế hoàn toàn máy ảnh lớn.

Năm nay, Khoảnh Khắc Vàng có một hạng mục riêng cho di động, đó là một điều rất mới, là một tiền lệ tốt để các giải thưởng nhiếp ảnh khác phát triển theo. Đó cũng là mục tiêu của Thông tấn xã Việt Nam đặt ra, để giải Khoảnh Khắc Vàng sẽ trở thành một giải thưởng uy tín, tổ chức thường niên, đặt chất lượng lên hàng đầu.

- Những mùa giải Khoảnh Khắc Vàng lần sau, ông có kỳ vọng gì về việc nâng cao cả về chất lẫn về lượng của giải thưởng này không?


- Về những tiêu chí của cuộc thi tôi thấy vẫn nên đi theo các xu hướng hiện đại của ảnh báo chí thế giới đưa ra. Chúng ta cố gắng làm tốt theo họ đã là một bước thành công rồi.

Bây giờ chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng. Các sự chắt lọc và tiếp thu những cái mới luôn luôn là mục tiêu hàng đầu để các hãng thông tấn báo chí đi theo.

Tôi chỉ kỳ vọng Thông tấn xã Việt Nam làm sao bắt được những xu hướng tiến bộ của thế giới để chúng ta không có khoảng cách với nhiếp ảnh báo chí hiện đại.

- Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiếp ảnh gia Việt Thanh: Khoảnh khắc vàng chỉ có từ lao động mà ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.