Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại hơn 20 năm xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật

An Nhi| 19/12/2018 14:52

(HNMO) - Sáng 19-12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”.


Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ tham dự.

Chủ trì cuộc hội thảo là PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu rõ, xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết, được khẳng định trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về văn hóa, nghệ thuật thời kỳ đổi mới. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Nghị quyết số 90-CP ngày 21-8-1997 của Chính phủ về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này được thuận lợi và đúng đắn.

Đến nay, sau hơn 21 năm thực hiện, chủ trương xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật đã từng bước lan tỏa trong đời sống, tạo được sự hưởng ứng tham gia rộng rãi của các lực lượng trong xã hội, huy động nguồn lực to lớn để phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu phải tổng kết, đánh giá toàn diện, có tính hệ thống về chủ trương, trên cơ sở đó tiếp tục ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời về vấn đề này.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, chủ trương của Đảng về xã hội hóa các lĩnh vực, cùng với Nghị quyết số 90-CP đã tạo luồng gió mới cho hoạt động văn học, nghệ thuật nói riêng và nhiều hoạt động khác nói chung. Mục tiêu, đường lối của Nghị quyết đến nay vẫn đúng và trúng, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và tăng cường vai trò của các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đặc biệt là các hội văn học nghệ thuật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, dù tiến hành xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật nhưng Nhà nước không buông mà vẫn nắm vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có những bất cập về chính sách ưu đãi đầu tư, nguồn ngân sách Nhà nước, các văn bản pháp luật chồng chéo, vì vậy, hoạt động xã hội hóa văn học, nghệ thuật chưa được như mong muốn… Hội thảo này đã đánh một “tiếng chuông” để mọi người nhận thức đúng về tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong đời sống và làm sao thực hiện đúng được chủ trương của Đảng về xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

70 tham luận tại hội thảo đã tập trung đánh giá tác động của chủ trương xã hội hóa đến hoạt động văn học, nghệ thuật trên tất cả các phương diện, từ tổ chức, quản lý đến đầu tư, sáng tạo, giao lưu, quảng bá, đồng thời phân tích thực tiễn, chỉ ra thành công và hạn chế trên từng lĩnh vực, đưa ra các bài học, kiến nghị giải pháp thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Kết quả từ hội thảo sẽ được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những chủ trương, chính sách hiệu quả về vấn đề quan trọng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại hơn 20 năm xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.