Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hành trình khơi gợi đam mê nghệ thuật

Thụy Du| 23/12/2018 07:42

(HNM) - Dự án giảng dạy mỹ thuật từ thiện “Ngôi sao miền núi” bước sang năm thứ 5 với chủ đề “Trường ca”.


Dự án “Ngôi sao miền núi” được nhà nghiên cứu mỹ thuật Quách Ngạn Vĩ phối hợp với Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội khởi xướng năm 2014, mời các nghệ sĩ Thủ đô lên giảng dạy mỹ thuật cho trẻ em miền núi. “Chúng tôi muốn truyền cảm hứng cho các em nhỏ vùng cao, nơi ít có điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật chuyên nghiệp, để các em làm quen với màu sắc, với cây cọ, cảm thụ vẻ đẹp thiên nhiên, tự hào về bản sắc văn hóa của quê hương mình, từ đó có thể phát huy khả năng sáng tạo”, nhà nghiên cứu Quách Ngạn Vĩ chia sẻ.

Điểm dừng đầu tiên của dự án là 3 trường tiểu học tại huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang với 30 họa sĩ tham gia. Bên cạnh việc giảng dạy, thực hành nghệ thuật, các nghệ sĩ còn vẽ trang trí trường học để cải thiện không gian học tập cho các em, hướng dẫn người dân địa phương bảo vệ môi trường. Những năm sau đó, dự án tiếp tục chọn các xã thuộc huyện Đồng Văn, Hoàng Su Phì của Hà Giang, giúp hàng trăm trẻ em ở vùng này được tiếp cận nghệ thuật, đồng thời mở rộng đến miền biển với hành trình tới huyện đảo Cô Tô của Quảng Ninh (năm 2016).

Năm 2018 cũng vậy, ngoài điểm đến đầu năm tại điểm trường Cốc Mạ (Đông Hà, Quản Bạ, Hà Giang), vào tháng 6, các nghệ sĩ đã tổ chức chuyến đi tới thôn Kon Pring (Đắk Long, Kon Plông, Kon Tum) nhằm triển khai dự án tại khu vực Tây Nguyên. Nhà nghiên cứu Quách Ngạn Vĩ cho biết: “Năm nay các nghệ sĩ không chỉ đem đến họa phẩm hiện đại mà còn dạy các em nhỏ cách sử dụng vật liệu sẵn có quanh mình để làm nghệ thuật. Ví dụ như họ hướng dẫn trẻ cách chế tạo cọ bằng lá thông, sử dụng màu từ lá cây… Như vậy, sau khi dự án “rút”, các em có thể tự tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật từ những vật liệu ấy”. Bên cạnh đó, những sản phẩm do các em nhỏ thực hiện với sự giúp sức của các nghệ sĩ sẽ được dự án tổ chức bán để gây quỹ khuyến học và tiếp lửa sáng tạo.

Mỗi năm, “Ngôi sao miền núi” lại thu hút thêm nhiều nghệ sĩ tham dự. Số lượng dao động từ 30 đến 60 người. Ngoài việc giảng dạy mỹ thuật, mỗi chuyến đi còn có ý nghĩa tạo cảm hứng sáng tác mới cho nghệ sĩ. Những cuộc triển lãm tác phẩm là thành quả sau những chuyến đi trong năm đã cho thấy điều đó. “Trường ca” - vừa được tổ chức tại Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh (Hà Nội) - cũng vậy, bên cạnh những tác phẩm tươi tắn và ngộ nghĩnh được vẽ trên vải lanh, gỗ của các em nhỏ, có nhiều tác phẩm mới của các nghệ sĩ, mang đậm sắc màu văn hóa nơi họ đã đến. Hai tác phẩm “Đi tìm lời ru mặt trời” và “Đam San” vẫn được họa sĩ Nguyễn Trường Linh thể hiện bằng chất liệu sơn mài sở trường, nhưng chúng rực rỡ, dữ dội hơn nhiều so với những tác phẩm trước đây của anh.

Họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu, người đã có 5 năm đồng hành cùng dự án chia sẻ: “Nếu những chuyến đi liên tục ở Hà Giang giúp chúng tôi đào sâu hơn vốn văn hóa bản địa thì Tây Nguyên đem lại cảm xúc mới lạ về sức sống mãnh liệt và sự vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của người dân nơi đây. Tự tôi cũng thấy, các tác phẩm của mình về Tây Nguyên không hiền hòa như khi vẽ về miền núi phía Bắc”. Họa sĩ Nguyễn Hồng Phương thì tâm sự: “Mỗi chuyến đi chỉ kéo dài khoảng một tuần, nhưng trải nghiệm về văn hóa, bản sắc, tính cách, tình cảm và khả năng nghệ thuật của người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em, đã tác động rất lớn đến cảm nhận của tôi, và chắc chắn điều đó sẽ được chuyển tải vào các tác phẩm”.

Khép lại năm 2018, các nghệ sĩ đã bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến đi tiếp theo. Nhà nghiên cứu Quách Ngạn Vĩ cho biết, năm 2019 dự án sẽ tiếp tục với các điểm đến ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, dự án cũng đang tìm hiểu để vươn tới khu vực phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hành trình khơi gợi đam mê nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.