Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trao cơ hội cho người trẻ

An Nhi| 30/12/2018 08:31

(HNM) - Nhiệm vụ gìn giữ và phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống luôn đầy khó khăn và thách thức, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi các phương tiện giải trí hiện đại đang thu hút giới trẻ.

Một chương trình biểu diễn của nhóm “Chèo 48h”.


Nỗi lo “vắng già, thiếu trẻ”

Phải thừa nhận rằng, trong văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng, sự trẻ hóa đội ngũ là cần thiết. Nói như Nghệ sĩ nhân dân Bùi Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội: “Nếu trên sân khấu không có diễn viên trẻ đảm nhiệm những vai chính thì vở diễn coi như thất bại”. Tuy nhiên, nghệ sĩ sân khấu có tuổi nghề rất ngắn, nhất là diễn viên sân khấu truyền thống, hiếm người ngoài 40 tuổi vẫn được giao kép chính. Họ đến với nghề đã trễ, phải sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, mất 4-5 năm rèn giũa, nhưng ít người tìm được việc ngay sau khi ra trường. Ai may mắn được nhận vào các đoàn thì cũng nhiều năm diễn vai phụ, trước khi mơ tới vai chính. Gian nan như vậy nên nhiều nghệ sĩ trẻ không theo được nghề.

Những năm gần đây, sân khấu truyền thống ngày càng thưa vắng khán giả. Theo nhà viết kịch Giang Phong, còn có nguyên nhân quan trọng nữa là ở tác giả - những người tạo “bột” để “gột nên hồ”. “Chúng ta không có nhiều tác giả mới, tác giả trẻ. Phần lớn những cây viết bây giờ đều ở tuổi “lục thập” trở lên, khó tiếp cận cái mới, làm sao đáp ứng được nhu cầu của khán giả ngày nay?”, nhà viết kịch Giang Phong thẳng thắn. Rất nhiều năm, nhiều khóa, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu Hà Nội dày công tìm tòi, bồi dưỡng tác giả trẻ viết kịch nhưng sự xuất hiện không đáng kể. Trong khi đó, những nghệ sĩ, tác giả có kinh nghiệm, trình độ thì tuổi cao, sức yếu, dần vắng bóng trong hoạt động nghệ thuật.

Sân khấu truyền thống đã thiếu người trẻ như thế thì công tác nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian càng hiếm. GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội nêu thực tế, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đa số là người lớn tuổi. Lực lượng được tính là trẻ cũng ngót nghét 40-50 tuổi. “Có thể gặp được một thần đồng thơ Trần Đăng Khoa ở tuổi lên 8 nhưng không thể có một nhà sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian tầm cỡ ở tuổi này. Công tác nghiên cứu luôn cần sự kiên trì, cần cù, mà với văn nghệ dân gian, để vững vàng trong nghề đòi hỏi sự say nghề và đầu tư thời gian, công sức hàng chục năm. Ai cũng hiểu giá trị của văn hóa dân gian là quý giá, song những người nắm giữ nó đang lần lượt ra đi mà chưa kịp tìm được người kế thừa, thay thế. Điều đó thực sự đáng lo ngại”, GS.TS Lê Hồng Lý bày tỏ.

Nghệ thuật truyền thống trông vào lớp trẻ

Có phải người trẻ thờ ơ với văn hóa, nghệ thuật truyền thống hay không? Nếu không có cô học trò kéo nhị Mai Tuyết Hoa, nghệ sĩ trẻ Phạm Thị Huệ lặn lội tìm về với các “báu vật nhân văn sống” Hà Thị Cầu, Nguyễn Thị Chúc thì bao nhiêu điệu xẩm, lối hát ca trù đã không thể vang lên sống động trong các không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Thủ đô như bây giờ. Nhiều câu lạc bộ, nhóm bạn trẻ yêu nghệ thuật truyền thống được hình thành như “Chèo 48h”, Câu lạc bộ Tuyên truyền văn hóa, lịch sử (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội)… đã và đang thu hút hàng trăm sinh viên tìm về nghệ thuật truyền thống…

Nhưng tại các nhà hát nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp, rất ít gặp gương mặt diễn viên mới trong các đêm diễn. Lướt qua danh sách dựng vở tại nhiều đơn vị, hầu hết thấy sử dụng kịch bản cũ của các tác giả đã thành danh, hoặc phục dựng từ nguồn dân gian… Nhiều nhà hát xếp chồng kịch bản gửi đến, trong đó có cả của tác giả trẻ, nhưng không mấy trang viết được hiện thực hóa trên sân khấu.

Ở lĩnh vực nghiên cứu, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tô Hoài (Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) kể: “Trong nhiều lần thực địa, gặp gỡ, tìm kiếm sự chia sẻ thông tin từ những người thực hành văn hóa, thế hệ 7X, 8X chúng tôi thường bị coi là “lạt non mà đòi buộc tre già”, rất ít người chịu cung cấp thông tin”. Thế nên, chưa hẳn là những người trẻ thiếu mặn mà với văn hóa, nghệ thuật truyền thống, mà có thể là do thế hệ đi trước chưa tin tưởng, trao truyền sứ mệnh kế thừa và gìn giữ cho họ.

Nhà thơ Bằng Việt cho rằng, đã đến lúc trao trách nhiệm vào tay những người trẻ, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật truyền thống đang cần gìn giữ và phát triển trong đời sống đương đại. “Hiện nay, lớp người lớn tuổi nên lui lại, có hoạt động chỉ là truyền đạt kinh nghiệm, góp ý cho lớp trẻ, thay vì gánh vác. Có thể, thời gian đầu chưa nhìn thấy kết quả, nhưng với sự nhạy bén, thông minh, các bạn trẻ sẽ sớm đảm nhiệm tốt”, nhà thơ Bằng Việt nói.

GS.TS Lê Hồng Lý đề xuất, các hội viên lớn tuổi của các hội nghề nghiệp nên trực tiếp chọn lựa người trẻ kế cận mình để truyền đạt kinh nghiệm, bồi dưỡng tài năng. Bên cạnh đó, các câu lạc bộ văn hóa dân gian cần được củng cố và đẩy mạnh hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của các bạn trẻ, từ đó, chọn lọc những người có năng khiếu, say sưa với văn hóa, nghệ thuật truyền thống để chỉ dẫn, khuyến khích họ theo nghề.

Lớp trẻ là nguồn lực quan trọng góp phần làm thanh xuân văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Sự thiếu vốn sống, non nớt trong nghề theo năm tháng chắc chắn sẽ được khắc phục khi họ được tin cậy trao cơ hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trao cơ hội cho người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.