Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kích hoạt tiềm năng, xây dựng Hà Nội - thành phố sáng tạo

Hải Giang| 01/01/2019 01:37

(HNM) - Tại hội thảo “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” mới đây, một khái niệm cơ bản về Hà Nội - thành phố sáng tạo của khu vực đã được các chuyên gia trong và ngoài nước khởi dựng.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia - đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung này, cũng như mối liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng sức mạnh mềm văn hóa của Hà Nội và cả nước.


Hà Nội - tiềm năng của một thành phố sáng tạo

- Tại hội thảo “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế”, các chuyên gia đã đề xuất cần có trọng điểm phát triển thương hiệu sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam từ việc xây dựng thương hiệu Hà Nội - Thủ đô, thành phố sáng tạo của khu vực; thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Bà nhận định gì về đề xuất này?

- Đề xuất của các chuyên gia trong nước và quốc tế tại hội thảo này đã nhận được sự ủng hộ của đại diện lãnh đạo thành phố, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và chúng tôi đã gặp nhau ở việc xác định cần có một chương trình dài hơi, bài bản nhằm định vị Hà Nội như một trung tâm văn hóa của cả nước, một thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO. Tôi cho rằng, đây là đề xuất hoàn toàn phù hợp với Việt Nam trong điều kiện chúng ta chưa có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng giàu nguồn lực mềm văn hóa. Và sự giàu có đó đang hội tụ ở Hà Nội, nơi chúng ta nếu nỗ lực xây dựng một cơ chế chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, sẽ dễ triển khai, dễ rút kinh nghiệm và khả năng thành công cao hơn là ngay lập tức triển khai trên toàn quốc.

- Hà Nội - thành phố sáng tạo - nội hàm khái niệm này nên được hiểu thế nào trong điều kiện cụ thể của Hà Nội, thưa bà?


- Hà Nội - thành phố sáng tạo là ý tưởng có sự gặp gỡ của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Năm 2017, trong hội thảo do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, tôi có đề xuất ý tưởng này sau khi xem xét các yếu tố tạo nên các thương hiệu của 10 thành phố tài năng trên thế giới bao gồm: New York, London, Paris, San Francisco, Singapore, Sydney, Los Angeles, Berlin, Tokyo, Barcelona.

Mẫu số chung cho sự vươn lên tốp đầu của 10 thành phố này chính là việc đã phát huy các yếu tố: Cơ sở hạ tầng văn hóa đô thị; Hình thành “thương hiệu thành phố” mới trong các ngành công nghiệp văn hóa; Sức hấp dẫn văn hóa (các di sản văn hóa, vật thể và phi vật thể, các sự kiện văn hóa đương đại); Thói quen tiêu dùng văn hóa mới trong giới trẻ và tầng lớp trung lưu; Thúc đẩy sự phát triển của mọi tầng lớp lao động, tạo sự thăng hoa cho tầng lớp sáng tạo.

Những thông tin thú vị này đã mang đến cho chúng tôi sự gợi ý về việc thúc đẩy Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo như một thương hiệu của sức mạnh mềm văn hóa. Nhưng, thành phố sáng tạo không chỉ ưu tiên tầng lớp sáng tạo, mà là thành phố biết tận dụng sự sáng tạo từ mọi lớp người trong xã hội, từ mọi nguồn lực mềm văn hóa, để từ đó xây dựng nên bản sắc của mình.

- Một góc tiếp cận mới, nhiều thú vị. Vậy theo bà, những nguồn lực nào của Hà Nội nên được tập trung phát triển?

- Hà Nội chỉ trở thành thành phố sáng tạo khi biết tận dụng, phát huy sự sáng tạo của mọi tầng lớp, mọi nguồn lực văn hóa (cơ sở hạ tầng, truyền thống lâu đời, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dày đặc, sức hấp dẫn của đời sống đô thị) thông qua việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, hình thành thói quen tiêu dùng mới.

Trước hết, cơ sở hạ tầng tốt là đòn bẩy quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa hàng đầu của Việt Nam. Là trung tâm văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội của cả nước, Hà Nội vừa thừa hưởng những cơ sở hạ tầng văn hóa mang tầm vóc khu vực từ thời Pháp thuộc, đồng thời được chú trọng đầu tư xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa có khả năng thúc đẩy sự xuất hiện các trung tâm sản xuất công nghiệp văn hóa làm thay đổi cơ cấu kinh tế thành phố. Một ví dụ, Hà Nội là thành phố có hệ thống bảo tàng đa dạng bậc nhất Việt Nam. Bên cạnh đó là hệ thống rạp hát, hệ thống rạp chiếu phim mới, hiện đại…

Thứ hai, phải kể đến là sức hấp dẫn của thương hiệu Hà Nội. Hà Nội là thành phố đẹp có bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, kiến trúc độc đáo với một đời sống đô thị giàu nhịp điệu và bản sắc. Những điều này thể hiện rõ nét, sinh động và lôi cuốn trong thi ca, hội hoạ. Một vẻ đẹp và một đời sống văn hóa phong phú đã và đang là thứ tài sản vô giá để Hà Nội trở thành điểm đến của các doanh nghiệp, nghệ sĩ, người tiêu dùng văn hóa và du khách.

Thứ ba là tận dụng cơ hội việc làm và thu hút du lịch. Hà Nội là một đô thị nổi tiếng trong khu vực Đông Á từ nhiều thế kỷ với khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, cho thấy những tiềm năng to lớn về việc tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là phụ nữ ngay tại địa phương, kích thích sáng tạo cho các nghệ nhân, đồng thời thu hút khách du lịch đối với thành phố.

Thứ tư là hình thành thói quen tiêu dùng mới gắn với bản sắc, sức sáng tạo văn hóa. Các di sản giàu bản sắc cùng quá trình đô thị hóa đang biến Hà Nội trở thành nơi diễn ra các hoạt động và các sự kiện văn hóa ngày một đa dạng.

Thứ năm, thúc đẩy sự sáng tạo và tạo động lực cho tầng lớp sáng tạo phát huy. Đô thị hóa và sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn của các hoạt động văn hóa mới, loại hình văn hóa mới đang dần biến Hà Nội trở thành nơi thu hút những nhân tố sáng tạo. Tuy nhiên, so với TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mức độ thu hút các tài năng sáng tạo chưa cao do các rào cản về thể chế. Chính vì vậy, sự kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước về không gian sáng tạo cũng như các chính sách hỗ trợ tài năng, công nghệ sẽ là giải pháp thiết thực giúp Hà Nội vươn lên trở thành một trong 3 trung tâm ưu tiên phát triển của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Chuyển hóa nguồn lực thành sức mạnh

- Tiềm lực của Hà Nội rõ ràng là rất dồi dào nhưng việc chuyển nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa còn khá lúng túng?

- Sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành hữu quan trong việc triển khai các giải pháp thể chế hỗ trợ về vốn, đất đai, đào tạo nguồn lực, hợp tác quốc tế, bảo vệ bản quyền và hình thành các dự án trọng điểm sẽ là những vấn đề cần phải quan tâm thực hiện đầu tiên nếu Hà Nội muốn tăng sức hấp dẫn văn hóa, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa và thu hút khách du lịch cũng như những nhân tài đam mê sáng tạo văn hóa và kết nối với thế giới bằng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, cơ chế này chưa rõ và chúng tôi đang đi tìm lời giải cho bài toán này.

- Bà đánh giá thế nào về giải pháp thể chế ở Hà Nội?

- Về lợi thế thể chế, chúng ta đã bước đầu đi đến nhận thức chung từ các nhà hoạch định chính sách về việc cần phát huy sức mạnh mềm văn hóa của Hà Nội. Nhưng “sân chơi” sức mạnh mềm văn hóa ở Hà Nội vẫn chưa thực sự bắt đầu. Câu chuyện thể chế cho sức mạnh mềm văn hóa đang cần có sự tham gia, trao đổi, thống nhất về “người chơi”, “luật chơi” và “sân chơi”. Cho dù còn nhiều lúng túng, áp lực, nhưng chúng tôi tin với một quyết tâm cao, sự hợp tác, phối hợp của các bên liên quan, chắc chắn Hà Nội sẽ tìm ra một cơ chế chuyển hóa hiệu quả nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa.

- Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Văn phòng đại diện UNESCO Hà Nội hẳn đang và sẽ có những tham vấn, dự án hỗ trợ Hà Nội trong xác định mục tiêu cụ thể, hiện thực hóa ý tưởng này?

- Các chuyên gia quốc tế, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang tích cực phối hợp với các ban, ngành của Hà Nội để xác định các mục tiêu cụ thể cho thành phố. Hiện, về cơ bản, chúng tôi đang tiến hành các cuộc trao đổi hẹp giữa các bên song song với việc khảo sát thực tiễn tại các thành phố lớn của Hàn Quốc - nơi có các mô hình phát triển có khả năng mang đến những gợi mở phù hợp với Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.

Chúng tôi sẽ có những chia sẻ cụ thể về kết quả của quá trình lựa chọn, xác định mục tiêu này trong thời gian tới.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

Hội thảo trên thuộc đề tài “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam”, nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020: “Nghiên cứu những vấn đề trọng yếu về khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, do PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương là chủ nhiệm, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam là cơ quan chủ trì, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp tổ chức.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kích hoạt tiềm năng, xây dựng Hà Nội - thành phố sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.